(HNM) - Hàng trăm làng nghề ở Hà Nội sẽ phải lựa chọn con đường mở rộng hay thu hẹp dần sản xuất, thậm chí chuyển nghề. Tất cả là vì môi trường sống và tương lai của người dân làng nghề, cũng như của thành phố. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trước việc này là rất quan trọng.
Buộc phải lựa chọn
Sản xuất mây tre đan tại làng nghề Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹi). Ảnh: Thái Hiền
59% số làng trên địa bàn Hà Nội có nghề, trong đó có 254 làng nghề được thành phố công nhận và trên 1.000 làng có nghề chưa được cấp bằng chứng nhận. Có khoảng 50 loại nghề sản xuất các loại hàng hóa từ đơn giản đến phức tạp, từ hàng hóa tiêu dùng đến hàng công nghiệp, phụ trợ… Quy mô sản xuất cũng rất đa dạng, từ nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình đến những doanh nghiệp có hàng trăm công nhân. Liên quan tới nghề trong làng nghề là trên 670.000 người, 170.607 hộ sản xuất, khoảng 8.000 doanh nghiệp, hợp tác xã và 50 hội, hiệp hội. Năm 2010, giá trị sản xuất của làng nghề chiếm 8,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố; kim ngạch xuất khẩu cũng chiếm đến 10,5% tổng kim ngạch trên địa bàn. Điều đó cho thấy vai trò và vị trí quan trọng của làng nghề.
Tuy thế, nhiều làng nghề trở thành nỗi ám ảnh về môi trường, gây hại cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người dân trong làng. Vì vậy, làng nghề cần duy trì và phát triển để bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người dân, đóng góp vào GDP của thành phố, nhưng cũng không thể để làng nghề gây ô nhiễm môi trường mãi được. Đây là lý do khiến các cơ quan thành phố Hà Nội tập trung xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020. Trong đó, hướng phát triển của mỗi làng nghề (đầu tư mở rộng, duy trì như hiện tại hay thu hẹp dần sản xuất…) sẽ được xác định. Việc cần kíp là phân loại làng nghề, làng có nghề theo các tiêu chí cụ thể để có hướng phát triển phù hợp. Quy hoạch liên quan đến tương lai của các làng nghề, nên những cơ quan có thẩm quyền cần phải thật sự quyết đoán, chính xác trong việc xác định tiêu chí phân loại, xác định phương hướng phát triển chung. Một khi không rõ đường hướng, để làng nghề phát triển tự phát, những mặt trái sẽ ngày càng trở nên nguy hại. Tuy nhiên, xác định được quy hoạch chỉ là một phần có ý nghĩa chứ chưa phải là quyết định.
Chủ động xác định tương lai
Việc quan trọng nhất đối với các làng nghề hiện nay chính là chủ động xác định tương lai cho chính mình. Chỉ khi nào người dân làng nghề tự nhận thức được sự cần thiết phải mở rộng, thu hẹp hay chuyển nghề thì quy hoạch phát triển làng nghề mà thành phố đang xây dựng mới thực sự có hiệu quả. Nhưng đã là chuyện cơm áo gạo tiền, rất khó để người dân tự làm bé nồi cơm của mình đi, và không phải ai cũng đã sáng suốt, đủ điều kiện để chuyển nghề. Trong tình cảnh người dân khó đưa ra quyết định như vậy, chính quyền địa phương, có thể chủ động tuyên truyền để người dân nhận thức và tính sớm phương án tương lai cho nghề của mình, điều đó sẽ giúp họ đỡ gặp khó khăn hơn trong việc chuyển đổi nghề hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Về lâu về dài, đây là một việc có lợi hơn về kinh tế là thiệt hại đối với người dân, chưa kể đến những lợi ích về sức khỏe của bản thân con cháu họ.
Thực tế nếu Luật Bảo vệ môi trường cũng như hệ thống pháp luật được thực thi một cách nghiêm khắc, các làng nghề, các hộ sản xuất chắc chắn không thể hoạt động một cách tùy tiện như hiện nay. Họ sẽ phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đủ tiêu chuẩn, phải đóng phí bảo vệ môi trường, bị phạt, thậm chí bị buộc phải ngừng sản xuất. Nhưng đến một lúc nào đó, việc thực thi các quy định trên sẽ được siết chặt, nếu người dân không chuẩn bị chu đáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mỗi làng nghề cần có giải pháp cho riêng mình để bảo đảm tương lai bền vững.
Ông Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội: Lựa chọn làng nghề mới phù hợp để đầu tư phát triển Ở Hà Nội, các làng nghề mới tăng lên khá nhanh nhưng không phải làng nghề nào cũng thành công. Mục đích cuối cùng của việc lựa chọn và đầu tư này là nâng cao thu nhập của người dân, gắn với phát triển bền vững. Mỗi làng nghề có một đặc trưng riêng, nhưng có điểm chung là đời sống người dân phụ thuộc vào nghề, nên việc lựa chọn của chúng ta sẽ không chỉ quyết định tương lai làng nghề mà còn quyết định sinh kế của người dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.