(HNM) - Hiện một số khu vực trên địa bàn các huyện: Ứng Hòa và Mỹ Đức xảy ra sự cố sụt lún đất, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mùa mưa bão đã đến gần, để bảo đảm an toàn cho người dân, rất cần các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có các giải pháp, khắc phục dứt điểm các sự cố sụt lún đất.
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, ngày 28-5 vừa qua, trên địa bàn xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) xảy ra sự cố sụt lún đất nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Cụ thể: 50m đường liên thôn An Hòa - Trung Hòa và cột điện hạ áp bị tụt sâu hơn 2m; gần 50m tường rào, cổng xây bằng gạch của gia đình ông Hà Ngọc Bình và bà Tạ Thị Cẩm Hồng bị đổ sập và lún nghiêng. Nghiêm trọng nhất, sụt lún còn làm nứt nhiều vị trí trên sân, tường và móng ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Hà Ngọc Bình khiến cả gia đình phải sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng…
“Gia đình tôi sinh sống yên ổn tại đây mấy chục năm, tiết kiệm mãi mới xây được ngôi nhà 2 tầng. Giờ nhà bị nứt, không còn nơi ở an toàn, gia đình tôi rất mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân để có cách khắc phục”, ông Hà Ngọc Bình kiến nghị.
Sinh sống liền kề khu vực sụt lún, hơn 30 hộ gia đình ở các thôn: An Hòa, Trung Hòa đang rất lo lắng khi nghe tin thời tiết sắp xảy ra trận mưa, bão lớn… Ông Hà Quang Mạnh (ở thôn An Hòa) cho biết: “So với những ngày đầu xuất hiện, tốc độ sụt lún hiện nay đã chậm lại. Tuy nhiên, nếu xảy ra mưa to, kéo dài trong nhiều ngày, nguy cơ hố sụt lún sẽ rất khó lường. Chúng tôi rất lo lắng cho tính mạng, tài sản của mình. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân nơi đây”.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Xá Dư Văn Dũng, lo lắng của người dân là có cơ sở. Bởi thực tế khu vực sụt lún nằm sát bờ sông Đáy, cấu tạo địa chất ở đây chủ yếu là đất phù sa. Hơn nữa, tuyến đường bị sụt lún cũng chính là tuyến đê chống lũ sông Đáy, bảo vệ tính mạng và tài sản trực tiếp cho hơn 350 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu trong xã. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của sự cố, ngay sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã hỗ trợ gia đình ông Hà Ngọc Bình và bà Tạ Thị Cẩm Hồng di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực sụt lún; đồng thời, lập chốt cảnh báo, ngăn không cho người dân ra vào khu vực xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, xã đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa bão làm sự cố phát triển…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh thông tin: “Do không đủ thẩm quyền khắc phục sự cố sụt lún nên huyện Ứng Hòa đã 2 lần báo cáo các cơ quan chức năng; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã về kiểm tra hiện trường. Tuy nhiên, tính đến nay huyện Ứng Hòa vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc khắc phục sự cố...”.
Không riêng huyện Ứng Hòa, sự cố sụt lún nhà ở, cắt đứt một đoạn đê sông Mỹ Hà chống lũ rừng ngang tại xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), dù xảy ra từ tháng 5-2018 nhưng đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn chưa khắc phục xong.
Để làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong khắc phục sự cố sụt lún đất ở huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, phóng viên Báo Hànộimới đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), song đều chưa có hồi âm. Hy vọng, sự cố sụt lún đất ở các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức sớm được các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.