(HNMO) - Những ngày này, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc lại đến thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” để tìm hiểu về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương (Vạn Phúc, Hà Đông), từ ngày 3-12 đến ngày 19-12-1946.
Trong thời gian ở đây, Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến được vạch ra tại hội nghị này đã được thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng. Hội nghị cũng thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Tự hào, xúc động sau khi thăm căn phòng nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ông Nguyễn Văn Mão (69 tuổi, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: “Nhiều năm rồi, nay tôi mới có dịp đến thăm các "địa chỉ đỏ" tại Hà Nội. Tại nơi này, tôi cảm nhận được sự thân thương, mộc mạc, giản dị của Bác; gợi lại cho tôi hình ảnh về những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Những địa chỉ như thế này là nơi giáo dục truyền thống cách mạng tốt nhất cho thế hệ trẻ”.
Ảnh: Bản “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại Vạn Phúc năm 1946.
Ngôi nhà Bác sống và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ngôi nhà ba gian, hai tầng, được xây dựng năm 1941-1942 đến nay được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính của Nhà lưu niệm Bác Hồ.
Vào mỗi dịp lễ trọng đại của đất nước, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc lại đến thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ để tìm hiểu về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc và quá trình hoạt động của Bác.
Mắc áo được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong thời gian sống và làm việc tại đây; những chiếc ghế được các đồng chí Trung ương Đảng đến làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng... vẫn còn nguyên vẹn.
Sau khi thăm nhà lưu niệm, ông Nguyễn Hữu Canh (huyện Hoài Đức) viết lưu bút: “Đến nơi đây, chúng cháu bồi hồi, xúc động nhớ lại hình ảnh Người cha già giản dị của dân tộc. Bác sống mãi trong tim người dân Việt Nam, chúng cháu sẽ cố gắng gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Dòng lưu bút đầy xúc động của đoàn công tác Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội).
Những đồ vật của chủ hộ gia đình sử dụng trước đây được nâng cấp, sửa chữa đặt bên phải và bên trái ngôi nhà chính để du khách đến tham quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.