(HNM) - Từ ngày 20-10, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4-9-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP).
Mức phạt tăng từ 7 đến 10 lần
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trước đây, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được cho là còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thế nhưng, với Nghị định 115, cứ sai phạm là bị phạt, không còn hình thức phạt cảnh cáo. Hầu hết các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đều bị xử phạt tăng từ 2 đến 3 lần.
Thậm chí, nhiều hành vi có mức xử phạt tăng gấp từ 7 đến 10 lần. Nếu như trước đây, cơ quan chức năng phát hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm, thì áp dụng mức xử phạt từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng/hành vi. Thế nhưng, hiện nay, hành vi này sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/hành vi (tăng gấp 10 lần).
Các chủ cửa hàng bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng khi bày bán thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn. |
Cũng theo ông Trần Văn Châu, Nghị định 115 tiếp tục giữ quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, Nghị định 115 quy định có 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên, trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5 đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1 đến 2 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp có tổng số hàng hóa vi phạm trị giá 800 triệu đồng, mức tiền phạt có thể tăng gấp 7 lần giá trị lô hàng (tương đương 5,6 tỷ đồng). Ngoài ra, nếu 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm.
Thậm chí, Nghị định 115 còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí xử lý ngộ độc thực phẩm…
Không chỉ tăng mức xử phạt, theo PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, cần kèm theo xử lý hình sự để tạo sức răn đe. PGS.TS Bùi Thị An lý giải, việc xử phạt vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng sẽ không là gì khi lợi nhuận của doanh nghiệp quá lớn.
Thậm chí, có những doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để tiếp tục được hoạt động, sau đó họ lại tái phạm… Trong khi vấn đề an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Do vậy, cùng với việc tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính cần phải áp dụng xử lý hình sự, phạt tù, bởi đây là tội giết người, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp
Để quản lý chặt chẽ hơn vấn đề an toàn thực phẩm, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cùng với việc tăng mức xử phạt cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, gắn trách nhiệm của chính quyền và Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đối với công tác an toàn thực phẩm.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất; kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. Ngoài ra, cần có một giải pháp vận động, khuyến cáo để thay đổi dần thói quen trong cộng đồng về sử dụng thức ăn đường phố.
Ông Trần Văn Chung cho biết thêm, các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm sợ bị công bố thông tin vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng hơn bị phạt tiền. Bởi khi đó, thương hiệu của họ bị tổn hại, người tiêu dùng tẩy chay, bị sụt giảm doanh thu. Không chỉ doanh nghiệp lớn sợ bị công bố thông tin vi phạm, những cơ sở nhỏ cũng lo sợ việc này. Để việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm phát huy hiệu quả, đủ sức răn đe, khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng cần công bố thông tin trên báo, đài để người tiêu dùng biết.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, với những hành vi vi phạm chất lượng hàng hóa, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cần phải xử lý nghiêm.
Bộ Y tế sẽ chỉ đạo sát sao hơn nữa các đơn vị từ trung ương đến địa phương triển khai đồng bộ công tác quản lý an toàn thực phẩm, trong đó tăng cường hậu kiểm và áp dụng có hiệu quả hình thức xử phạt mới theo Nghị định 115.
“Các địa phương cần tập trung vào các sản phẩm, lĩnh vực do ngành Y tế quản lý, chú trọng đến các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ, lẻ…, nhất là trong thời điểm gần kề Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.