Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc phương án tập huấn

Minh Quang| 18/01/2014 07:27

(HNM) - Cùng với bơi, bắn súng, đội tuyển điền kinh được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ tại ASIAD 17, năm 2014, với việc giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử. Để chuẩn bị cho kế hoạch thi đấu tại ASIAD 17, phương án đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài đã được đưa ra.


Thực tế, trong kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 2014, có hai phương án chuẩn bị cho các VĐV. Phương án đầu tiên là thuê chuyên gia chất lượng cao về Việt Nam huấn luyện cho các VĐV trọng điểm; phương án hai là đưa các VĐV trọng điểm ở tổ cự ly ngắn, trung bình như Vũ Thị Hương, Đỗ Thị Thảo, Trương Thanh Hằng, Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan… đi tập huấn 3-4 tháng tại Đức. Lý do chọn Đức làm địa điểm tập huấn dài hạn là mối quan hệ giữa Ủy ban Olympic hai nước cũng như Đức có một số chuyên gia về chạy cự ly trung bình đã từng làm việc với điền kinh Việt Nam.

VĐV trẻ Quách Thị Lan.



Nếu như phương án đầu tiên được đánh giá là an toàn và dễ giám sát quy trình huấn luyện của HLV cũng như tập luyện của VĐV thì phương án thứ hai được cho là sẽ tạo nên đột biến về thành tích. Tuy nhiên, khâu giám sát sẽ khó hơn và kinh phí cho chuyến tập huấn dài hạn sẽ rất lớn. Để có thể thực hiện phương án này, cần có sự chung tay của đơn vị chủ quản các VĐV trọng điểm. Môn bơi từng thành công lớn với sự chung tay đầu tư giữa Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản để có một Ánh Viên sáng giá, mang lại nhiều huy chương quốc tế và hứa hẹn sẽ còn đoạt huy chương ở ASIAD 2014. Năm 2013, điền kinh Việt Nam cũng tiếp bước môn bơi thực hiện chung tay đầu tư trong trường hợp các VĐV Thanh Hóa đi tập huấn dài hạn tại Bulgary rồi sau đó là Malaysia. Nhưng đấy là chuyện của một địa phương, còn tất cả các đơn vị chủ quản của các VĐV trọng điểm có chi tiền cho VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài hay không là chuyện khác.

Nhưng tiền cũng chỉ là một phần, phần khác là hiệu quả của các chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Khác môn bơi, cả hai chuyến tập huấn nước ngoài dài hạn đình đám gần đây của điền kinh đều không đáp ứng mục tiêu. Cách đây 3 năm, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng cũng được đi tập huấn dài hạn tại Đức. Trong thời gian đó, Vũ Thị Hương chấn thương dẫn đến vuột cả 2 HCV tại SEA Games 26 năm 2011. Trương Thanh Hằng không bị chấn thương nhưng cũng không thể chinh phục được chuẩn B Olympic để tham dự Olympic 2012.

Năm 2013, đến lượt bộ ba VĐV trọng điểm là Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (400m), Nguyễn Thị Phương (3.000m vượt chướng ngại vật) đi tập huấn dài hạn ở Bulgary rồi sau đó do điều kiện thời tiết, phải chuyển địa điểm tập huấn tới Malaysia.

Đến SEA Games 27, Nguyễn Thị Phương không thể tham dự vì chấn thương, Quách Công Lịch bỏ cuộc giữa chừng cũng vì chấn thương; còn Quách Thị Lan dù được hy vọng sẽ giành ít nhất 1 HCV thì cuối cùng đoạt tới 2 HCB cá nhân, 1 HCB tiếp sức.

Có thể, tập huấn dài hạn ở nước ngoài, tại những nền điền kinh hàng đầu thế giới là tốt nhưng quan trọng là phải đưa VĐV đến đúng nơi, đúng chỗ và tìm được đúng thầy. Chấn thương hoặc không đáp ứng thành tích kể cả khi đạt thể trạng bình thường là điều dễ nhận thấy ở các chuyến tập huấn dài hạn trên của điền kinh Việt Nam. Có lẽ, các chuyến tập huấn chưa đáp ứng được những yêu cầu "đúng nơi, đúng chỗ, đúng thầy" hoặc tự thân VĐV chưa chuyên nghiệp trong khâu sinh hoạt nên hiệu quả tập huấn giảm sút. Thế nên lãnh đạo Tổng cục TDTT sẽ phải cân nhắc kỹ trong việc chọn lựa các phương án tập huấn chuẩn bị cho ASIAD 17 năm 2014 của môn điền kinh, một trong những môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc phương án tập huấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.