(HNMO) - Theo lộ trình, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa để hoàn thành.
Theo ông Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an), Đề án 896 đã đi được chặng đường dài với khá nhiều kết quả quan trọng đạt được. Điển hình là xây dựng, ban hành Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, các văn bản về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành.
Việc cấp số định danh cá nhân không làm ồ ạt, mà gắn với công việc hằng ngày của cơ quan và các cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành, đặc biệt là kết hợp với tổng điều tra dân số toàn quốc từ ngày 1-4-2019. Đến nay, toàn quốc đã hoàn thành 80 triệu phiếu thu thập thông tin dân cư, đạt tỷ lệ 86%. Tiến độ cấp số định danh cá nhân cũng đang được đẩy mạnh với gần 1,9 triệu số được cấp tại 43 tỉnh, thành phố…
Hiện nay, Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ thu thập và nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là dữ liệu phục vụ cho Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh...
Dữ liệu quốc gia về dân cư chủ yếu phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước nên có hai đối tượng được miễn phí sử dụng là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và công dân. Ngoài cơ quan, tổ chức trên, theo Bộ Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng khác có thể được quyền khai thác nếu cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thu phí.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, toàn bộ các dữ liệu thông tin liên quan đến cá nhân của con người thuộc bí mật đời tư, chỉ có hai đối tượng có thể tiếp cận là cá nhân đó và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Nếu giữa các cơ quan với nhau thu tiền thì chỉ là lấy từ túi nọ sang túi kia. Nếu thu tiền của người dân thì không đạt mục tiêu đề ra khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, để tất cả các cơ quan có quyền truy cập, khai thác, cũng như giúp người dân sử dụng được tối đa” - ông Nguyễn Khánh Ngọc nêu quan điểm và đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án 896 cân nhắc vấn đề thu phí sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng liên quan đến kinh phí triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Vướng mắc lớn nhất là dự án có tổng mức đầu tư lớn, lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, song kinh phí được bố trí hiện mới chỉ đạt 230 tỷ đồng nên chưa thể triển khai gói thầu tổng thể của dự án. Đây cũng là dự án công nghệ thông tin nhóm A, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương với quy trình, thủ tục phức tạp về phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và cách thức tổ chức thực hiện chưa có tiền lệ.
Theo lộ trình, chỉ còn chưa đầy 2 năm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2020. Do vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 896 đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH ngày 12-11-2018 của Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.