Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần minh bạch việc sử dụng quỹ BHXH

Ngọc Thủy| 16/04/2011 06:59

(HNM) - Vụ việc Công ty CP Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam thua lỗ 3.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.000 tỷ vay của Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều bạn đọc thuộc đối tượng hưởng BHXH lo lắng việc này sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, sử dụng quỹ BHXH.


Ông Nguyễn Tấn Cung (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ): Quản lý chặt để bảo đảm an sinh xã hội

BHXH có ý nghĩa sống còn với cán bộ, công nhân viên nghỉ hưu, mất sức lao động, người thất nghiệp, thương bệnh binh, người ốm đau, bệnh tật… Việc quản lý chặt chẽ nguồn quỹ này là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho những người dân đã ít nhiều phải chịu thiệt thòi trong xã hội như bị hạn chế sức lao động do tai nạn, tuổi cao, sức khỏe yếu hoặc gặp rủi ro. Bản thân tôi là thương binh hạng 1/4, đã nghỉ hưu, hai vợ chồng già không làm được gì thêm chỉ trông vào hơn 3 triệu đồng tiền lương và trợ cấp mỗi tháng. Thời buổi bão giá thế này, tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu, tháng nào hết ngay tháng đó, chẳng mấy khi dư dật. Nếu vì lý do này lý do khác mà lương đến chậm, trợ cấp không kịp thời, ốm đau không được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế thì chúng tôi chẳng còn biết trông cậy vào đâu.

Ông Trần Minh Hải (Giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư ): Cần làm rõ từng nội dung bảo lãnh

Theo đại diện BHXH Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT đã đơn phương hủy bỏ hai thư bảo lãnh mà không có sự thống nhất giữa hai bên. Như vậy, vấn đề cốt lõi hiện nay là cần làm rõ những nội dung cụ thể trong từng văn bản bảo lãnh như thời hạn bảo lãnh, số tiền hay nghĩa vụ trả nợ phát sinh trên hợp đồng nào… Các nội dung này cần được xác định rõ ràng chứ nếu chỉ là những cam kết chung chung, không chắc chắn, thiếu căn cứ pháp lý thì khó có thể xác định được chính xác quyền, nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay.

Bà Trần Thu Thủy (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân): Nhiều điều phải bàn về sử dụng quỹ BHXH

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo về một số sai phạm trong công tác quản lý thu chi quỹ BHXH, gây thất thoát số tiền không nhỏ do các tổ chức và nhân dân đóng góp. Cụ thể như thẩm định hồ sơ không chính xác dẫn đến chi sai, thanh toán không kịp thời cho các đối tượng hưởng BHXH; sử dụng nguồn tiền dành cho mục đích dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sai mục đích, sai đối tượng. Những sai sót trong việc thực hiện chế độ BHYT như ký hợp đồng khám chữa bệnh, thanh toán trùng lặp, chênh lệch so với thực tế, kê sai số lượng thuốc, sai đơn giá thuốc, kê khống tiền thuốc, tiền vật tư y tế, vi phạm quy định về đấu thầu thuốc… Như vậy có thể thấy các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH rất đa dạng, diễn ra ở nhiều địa phương và ở hầu hết các nguồn tài chính do BHXH Việt Nam quản lý như các quỹ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... Việc này đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý theo kiến nghị của cơ quan Thanh tra để quỹ BHXH hoạt động hiệu quả hơn, góp phần ổn định cuộc sống của hàng triệu người dân.

Bà Hà Thanh Lan (phường Định Công, quận Hoàng Mai): Chọn ngân hàng để gửi quỹ...

Muốn bảo toàn và phát triển nguồn vốn của quỹ thì BHXH Việt Nam cũng phải chọn ngân hàng mà gửi quỹ. Đối tượng mà BHXH Việt Nam được phép cho vay đã được quy định rất rõ tại Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó gồm các ngân hàng thương mại nhà nước, thời hạn cho vay cụ thể theo từng hợp đồng nhưng tối đa không quá 5 năm và gia hạn nợ một lần với thời hạn tối đa không quá 6 tháng. Theo "trần tình" của đại diện BHXH Việt Nam với báo chí vừa qua, Công ty CP Cho thuê tài chính II đã có 14 hợp đồng vay vốn của BHXH Việt Nam, hiện có 3 hợp đồng quá hạn, còn 10 hợp đồng chưa đến hạn trả nợ. Nay công ty này thua lỗ đến hơn 3.000 tỷ đồng, khó có khả năng trả nợ nên gánh nặng này đổ lên Ngân hàng NN&PTNT. Trách nhiệm của Ngân hàng NN&PTNT trong vụ việc này như thế nào? Trường hợp xấu nhất, các văn bản bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý, không thu hồi được nợ thì giải quyết thế nào? Liệu quyền lợi của hàng triệu người hưởng lương hưu và các chế độ BHXH khác có bị ảnh hưởng không? Người dân rất mong có câu trả lời sớm nhất từ phía cơ quan chức năng và các bên liên quan, đặc biệt là phải minh bạch việc sử dụng quỹ BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần minh bạch việc sử dụng quỹ BHXH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.