Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần mạnh tay để không chạy theo vi phạm!

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 07/04/2012 08:34

(HNM) - Những vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu (KDXD), khí hóa lỏng thời gian qua khiến dư luận bức xúc là nguyên nhân chính dẫn đến việc Bộ Công thương vừa ra chỉ thị thành lập đoàn công tác kiểm tra toàn bộ các cơ sở KDXD, gas.


Nhiều người dân mong đợi qua cuộc tổng kiểm tra này, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp hiệu quả giải quyết vấn nạn xăng dầu kém chất lượng hay tình trạng sang chiết gas trái phép, kinh doanh gas giả… Hànộimới xin ghi nhận một số ý kiến trên.

Ông Trịnh Quang Khanh (Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam): Khó cho các DN đầu mối


Doanh nghiệp đầu mối KDXD phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối của mình, từ khâu nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ. Đây là nội dung đúng về lý thuyết nhưng trên thực tế là "làm khó" cho các doanh nghiệp (DN) đầu mối. DN chúng tôi, khi cung cấp xăng dầu cho đại lý đều thông qua các hợp đồng kinh tế, ký cam kết yêu cầu đại lý bảo đảm bán đúng chất lượng, số lượng. Bên cạnh đó, DN đầu mối cũng thường xuyên chủ động kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý việc vận chuyển, tồn trữ của các cửa hàng bán lẻ. Nhưng thực tế chúng tôi không thể có mặt 24/24h ở các đại lý, cửa hàng bán lẻ để xem họ có chấp hành đúng cam kết hay không. Việc này còn phụ thuộc vào đạo đức KD, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cửa hàng. Mặt khác, các đại lý, cửa hàng này cũng hoạt động KD trên cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật, bản thân họ cũng phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi vi phạm.

Ông Phạm Quang Vinh (tổ 11, phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Rất nhiều cửa hàng KD gas sử dụng địa chỉ "ma"

Gần đây, gia đình tôi liên tục nhận được các tờ rơi quảng cáo của hết DN chất đốt này đến công ty kinh doanh gas kia. Nội dung chủ yếu là khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng sử dụng bình gas của họ kèm theo những chế độ hậu mãi chu đáo như được kiểm tra, bảo dưỡng bếp và các thiết bị theo định kỳ, đổi bếp cũ lấy bếp mới, tích điểm vào thẻ sử dụng gas… Tìm một vài địa chỉ ghi trên tờ quảng cáo, tôi không hề thấy một cơ sở kinh doanh gas nào. Thế nhưng gọi điện thoại ghi trên tờ quảng cáo đó thì chỉ 5-7 phút sau lập tức có nhân viên chở gas đến. Một vài cửa hàng trưng biển làm đại lý KD của hãng gas có tên tuổi nhưng tìm hiểu kỹ thì những hãng này không có đại lý nào đăng ký ở địa chỉ đó. Các bình đựng gas đều cũ kỹ, tróc sơn, mờ chữ, dấu niêm phong không đúng quy định; trót mua về sử dụng thì gas hết rất nhanh, ngọn lửa đỏ, nhiều muội… Đó là chưa kể các cơ sở kinh doanh (CSKD) gas đều nằm trong khu vực dân cư, không bảo đảm an toàn phòng và chữa cháy. Việc phát hiện những CSKD gas kiểu này không có gì là khó khăn, chỉ có điều nếu kiểm tra thấy mà không xử phạt mạnh tay, không kết hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ thì chẳng khác nào "đá ném ao bèo", đoàn kiểm tra đi khỏi là mọi việc lại "nguyễn y vân".

Ông Phạm Đức Hải (phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ): Phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhạy cảm...


Mấy ngày qua, báo chí đưa tin chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành hơn 2.000 lượt kiểm tra, xử lý 268 vụ, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện KD của 14 cửa hàng xăng dầu. Không thể phủ nhận những cố gắng của các cơ quan chức năng, nhưng cũng từ đây cho thấy, lâu nay thị trường xăng dầu đã bị thả nổi. Khoảng nửa năm trở lại đây, số vụ xe máy, ô tô tự dưng bị cháy tại Việt Nam đột nhiên tăng vọt, gây hoang mang cho người dân. Mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào chất lượng xăng dầu, bởi chỉ có nguồn nguyên liệu này mới có khả năng gây ra các vụ chập cháy và số vụ cháy cũng trải rộng trên địa bàn cả nước như vậy? Về lý, để bảo vệ quyền lợi của các DN sản xuất và người tiêu dùng, ngay từ đầu các cơ quan chức năng phải rốt ráo vào cuộc, tìm cho ra thủ phạm gây nên các vụ cháy. Nhưng đáng tiếc, đến bây giờ Bộ Công thương mới chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát mặt hàng chiến lược này. Dù muộn nhưng dẫu sao còn hơn không. Nhưng theo tôi, để tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", Bộ Công thương cần duy trì thường xuyên việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, gas... Nếu lực lượng không đủ thì có thể kiểm tra theo cách ngẫu nhiên, trường hợp phát hiện đại lý, doanh nghiệp đầu mối nào cung cấp sản phẩm kém chất lượng, bán quá giá quy định... phải thu hồi ngay giấy phép. Còn nếu chỉ kiểm tra theo từng đợt "ra quân" e rằng sau khi các lực lượng chức năng đi khỏi, vi phạm lại tái diễn...

Bà Nguyễn Thị Thêu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên): Không nên trao quá nhiều đặc quyền, đặc lợi cho các DN đầu mối

Tôi có người bạn làm giám đốc một DN vận tải trên địa bàn Hà Nội. Mỗi tháng công ty của anh chi hơn 2 tỷ đồng mua nhiên liệu, hợp đồng cung ứng được ký kết với một đại lý của Công ty Xăng dầu Quân đội. Vậy mà, sáng 4-12-2011, đột nhiên hơn 30 chiếc xe của công ty đều bị chết máy. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, toàn bộ lượng dầu diezel trong các xe đã bị đông cứng, khiến động cơ không thể hoạt động. Theo tiêu chuẩn, dầu diezel chỉ bị đông cứng ở nhiệt độ từ 4 độ C trở xuống, trong khi hôm đó nhiệt độ ngoài trời thấp nhất là 9 độ C. Anh bạn tôi đôn đáo tìm cách liên lạc với người có thẩm quyền thì được trả lời: "Dầu diezel công ty nhập vào được sản xuất trong nước nên có thể đông cứng ở nhiệt độ cao hơn so với dầu diezel nhập khẩu từ nước ngoài". Ngoài lời giải thích trên, phía đại lý xăng dầu không có bất cứ động thái gì đền bù hay tỏ ra có trách nhiệm với công ty vận tải của bạn tôi. Bất đắc dĩ, bạn tôi phải quyết định cho xả hết cả nghìn lít dầu tồn trong các xe, mua dầu diezel của một công ty xăng dầu khác để tiếp tục hoạt động. Tính ra, chỉ trong một ngày, số tiền mà công ty thiệt hại lên tới vài trăm triệu đồng. Thực tế thời gian qua, chúng ta đã trao quá nhiều đặc quyền, đặc lợi cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Chất lượng hàng hóa mà các DN đầu mối này cung cấp ra thị trường có đạt chuẩn hay không, không ai biết. Tuy nhiên, họ gần như có quyền định đoạt giá cả xăng dầu trong nước. Chỉ cần các DN đồng thanh kêu lỗ là lập tức giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, trong đó không ít lần mức tăng lên tới vài nghìn đồng/lít. Ngược lại, khi giá xăng dầu trên thế giới giảm sâu, mức giảm giá của các DN đầu mối trong nước lại hầu như không đáng kể. Đã đến lúc tình trạng trên cần phải được chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần mạnh tay để không chạy theo vi phạm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.