Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lưu ý gì qua những vụ chó nhà cắn người?

Thanh Hương| 27/11/2018 15:08

(HNMO) -Thời gian qua, nhiều trường hợp người lớn và trẻ em bị chó nhà cắn gây thương tích nặng. Qua những vụ việc này, những gia đình nuôi chó cần lưu ý những gì?


Liên tiếp xảy ra vụ việc chó nhà cắn người

Hồi tháng 8 vừa qua, trong lúc chơi đùa với chó nhà, bé trai 7 tuổi cũng ở Hà Nội bị chó cắn đứt môi. Kinh hoàng hơn, hồi tháng 7, một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó Ngao Tạng nặng khoảng 40kg nhà nuôi cắn tử vong.

Cháu bé 6 tuổi ở Thanh Hóa bị chó cắn trọng thương vùng mặt được điều trị tại bệnh viện. 
(ảnh: Internet)


Tiếp đến, vào tháng 10 vừa qua, đang ăn bánh ở ngoài sân, sợ chó Becgie nuôi trong nhà đến gần, một bé trai 2 tuổi ở Nghệ An dùng tay xua đã bị cắn vào cổ và mắt làm chảy nhiều máu.

Gần đây nhất, trong tháng 11, một bé trai 6 tuổi ở Thanh Hóa đang chơi ngoài ngõ thì bị chó nhà tấn công, cắn vào mặt, mũi, đầu gây thương tích nặng, đặc biệt là thương vùng hốc mắt, đứt ống tuyến lệ. Chưa hết, cũng trong tháng này, một trẻ khác 2 tuổi ở Thanh Hóa bị chó nặng gần 40kg nhà mới mua cắn vào vùng trán, vặt và bụng…

Theo bác sỹ thú y Hoàng Ngọc Báu, nguyên cán bộ kiểm dịch động vật - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nhiều nguyên nhân khiến chó nhà cắn người, kể cả cắn chính chủ của chúng. Ngoại trừ việc chó bị dại thì nguyên nhân có thể là do chủ nhà chưa biết cách dạy chó, chó bị nuôi nhốt quá lâu, chó bị trêu nên giận dữ, người chủ nhà có mùi lạ... Và “chó cắn người là do con người”, ông nhấn mạnh.

Sở dĩ nhấn mạnh như vậy, bởi theo chuyên gia thú y này, khi nuôi chó cần hiểu về từng giống chó để nuôi cho phù hợp. Chẳng hạn, một số giống chó to, hung dữ như: Ngao Tạng, Becgie, Rottweiler, Pittbull hay những con chó sống ở vùng cao, miền núi có tính hoang dã cần được các chuyên gia huấn luyện chó dạy thuần hóa thì mới an toàn.

Ngược lại, một số giống chó cảnh như: Poodle (chó lông xù), Min pin, Bull Dog lại rất hiền lành thì chủ cũng cần học cách nuôi dạy chó biết vâng lời. Nuôi chó cần phù hợp với môi trường sống. Những giống chó to cần có nơi rộng rãi để chúng chạy nhảy hằng ngày. Vì vậy, nếu không có không gian rộng rãi thì không nên nuôi giống chó to.

Những điều cần lưu ý


Điều quan trọng là phải có phương pháp dạy chó. Ở Việt Nam, nhiều gia đình mua chó về chỉ để chó trông nhà hoặc làm “đồ chơi” mà chưa quan tâm đến việc dạy chó vâng lời chủ, dạy chúng hòa đồng với con người và thân thiện với môi trường cũng như các loài vật khác. Khi dạy chó phải có sự thưởng phạt rõ ràng, đúng lúc tạo cho nó một phản xạ có điều kiện, vâng lời chủ: Như nói mà chó nghe lời thì nên thưởng cho chúng một miếng thức ăn nào đó để khích lệ. Và ngược lại, nếu chó làm sai thì phải phạt (đánh) đúng lúc.

Nếu không may bị chó cắn, cần rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc trong vòng 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Ngay sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được các bác sĩ xem xét và có chỉ định thích hợp.

Ví dụ, khi thấy chó cắn đôi dép phải ra hiệu với chúng rằng việc làm đó là sai, không được làm như vậy và đánh để cho chó nhớ. “Nhiều người, đi làm hoặc đi chơi về, thấy đôi dép đã bị chó cắn tan nát từ lúc nào thì lấy roi vụt lấy vụt để con chó mà không giải thích gì, làm như vậy chó sẽ không hiểu tại sao bị đánh. Vì bị đánh không đúng lúc nên nhiều khi chúng có bất thường về thần kinh, dẫn đến cắn chủ”, bác sỹ thú y Hoàng Ngọc Báu phân tích. 

Nếu sở hữu một con chó, chỉ nhốt chuồng hoặc nhốt ở khu chỗ kín, biệt lập, không được tiếp xúc với ánh sáng, với con người và vật nuôi khác sẽ tạo cho con chó một thần kinh bất thường, rất hung dữ hoặc nhút nhát về sau này. Khi chó đã trưởng thành, rất khó dạy và khó thay đổi tính cách. Chó cần được hòa đồng với môi trường sống ngay từ trước 16 tuần tuổi. Chó cần chạy nhảy nhưng cứ bị nuôi ở chỗ trật trội, bí bách, khi được thả ra tinh thần của chó dễ cáu bực nên dễ xảy ra cắn. “Nếu không có phương pháp nuôi khoa học như cho chó tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, hòa đồng con vật khác, dạy chó vâng lời…thì chó lành cũng thành chó dữ”, bác sỹ thú y này nói.

Bác sỹ Hoàng Ngọc Báu cho biết, khứu giác của chó rất phát triển, tinh gấp 600 lần khứu giác của con người. Chúng thường nhận biết người quen qua khứu giác chứ không phải qua thị giác. Vì vậy, nếu trên người chủ chó hoặc người đã quen với chó có mùi lạ như thuốc lá, rượu bia…, rất dễ bị chó cắn bởi chúng tưởng người lạ.

Bác sỹ thú y Hoàng Ngọc Báu (trái) bên cạnh con chó Ngao Tạng. Giống chó này đắt tiền nhưng rất hung dữ (ảnh: nhân vật cung cấp)


“Bản thân tôi đã từng bị chó cắn vì người tôi có mùi lạ. Một lần, tôi được mời đến nhà một người khách để chữa con chó bị ốm. Sau khi chữa, tôi đã làm quen với con chó đó và nó rất quý tôi. Tuy nhiên, khi tôi tái khám, con chó đó bất ngờ nhảy lên cắn vào tay tôi. Nguyên nhân là do hôm đó tôi tắm gội bằng một loại dầu tắm có mùi thơm rất mạnh, mùi đó khác hoàn toàn với lần tôi đến chữa cho nó”, ông nhớ lại.

Chuyên gia lưu ý, chó là loài động vật rất thích cắn vào những vật cử động và dễ trở nên tức giận nếu bị trêu nhiều. Vì vậy, không nên xua tay, đá chân với chó hoặc trêu chó. Hơn nữa, không nên tỏ ra cưng con chó này hơn những con khác hoặc thể hiện tình cảm với người khác trước mắt chó bởi chúng hay ghen. “Đã có trường hợp một con chó Rottweiler to bị cả bày chó ta cắn vì chủ chăm sóc nó đặc biệt quá”, chuyên gia Hoàng Ngọc Báu chia sẻ.

Bên cạnh đó, nếu nuôi chó không nhằm mục đích nhân giống thì chó đực phải được thiến và chó cái cần được triệt sản, bởi chúng thường trở nên hung dữ khi có nhu cầu sinh lý. Một điều nữa không thể thiếu là, khi nuôi chó cần tiêm phòng dại cho chó mỗi năm 1 lần và phải đeo rọ mõm cho chó khi cho chúng ra ngoài đường, dù chúng đã được tiêm phòng bệnh dại hay chưa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần lưu ý gì qua những vụ chó nhà cắn người?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.