Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lắm ý thức tự bồi đắp

Thi Thi| 13/09/2015 06:40

(HNM) - Một không khí hiếm có khi khán phòng chật kín người, rất nhiều sinh viên đã ngồi ngay trên lối đi và trên bục diễn giả để lắng nghe những câu chuyện về thành phố Hà Nội...


Một không khí hiếm có khi khán phòng chật kín người, rất nhiều sinh viên đã ngồi ngay trên lối đi và trên bục diễn giả để lắng nghe những câu chuyện về thành phố...

1. Hà Nội trong rất nhiều ký ức

Dịp này Nhã Nam và các NXB mang đến cho độc giả khá nhiều đầu sách về Hà Nội như "Hà Nội cũ" của Doãn Kế Thiện, "Hà Nội lầm than" của Trọng Lang, "Phố phường Hà Nội xưa" của Hoàng Đạo Thúy, "Hà Nội chỉ nam" của Nguyễn Bá Chính... Có thể xem như mỗi cuốn sách mang lại những không gian ký ức riêng về Hà Nội suốt chặng dài lịch sử. Những rì rầm chuyện cũ, cảnh xưa, phong tục hay, dở... đều giúp người đọc Hà Nội cảm nhận rõ hơn về mảnh đất mình đang sống, và một vùng đất gắn bó với ý nghĩa trái tim của cả nước.

Cầu Long Biên, một trong những công trình đã “chứng kiến” nhiều sự đổi thay của Hà Nội. Ảnh: Xuân Hải


Nhưng Hà Nội đã hiện diện trong nhiều ký ức còn bởi chia sẻ và trải nghiệm của các diễn giả. Trong đó, Hà Nội đã thay đổi thế nào? Là chủ đề chính với rất nhiều nhánh nhỏ như: Sự đổi thay của thành phố có phải là tất yếu? Có phải cứ cái gì trong kỷ niệm ký ức ta đều có xu hướng đẹp đẽ, còn cái hiện tại thường xấu xí, mờ nhạt hơn? Điều gì cần bảo lưu gìn giữ trong vẻ đẹp tinh thần, cảnh quan Hà Nội?...

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức dẫn ra những câu chuyện xa xưa mà tác giả Doãn Kế Thiện (1894-1965, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội) đã viết trong "Hà Nội cũ" để nêu quan điểm không phải cái gì trong quá khứ Hà Nội cũng đều là đẹp đẽ, là yên bình. Văn hóa phong tục Hà Nội xưa có những mặt tốt đẹp và cũng có những thành tố tiêu cực. Tất nhiên, trong xã hội hiện đại, cũng có không ít hành vi khác xa so với chuẩn mực được gìn giữ, chọn lọc bao đời nên mới xảy ra những tệ trạng đáng buồn...

Ở một góc nhìn khác, bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, nghệ sĩ Thế Sơn cho thấy hình ảnh thành phố về đêm với cây xanh và... cây cột điện chằng chịt dây ở thời điểm Hà Nội đầu những năm 2000 mà anh gọi vui là một "Hà Nội siêu truyền dẫn". Diễn giả này cũng mang đến cho người nghe câu chuyện quanh bộ ảnh "Nhà mặt phố" ghi lại hình ảnh toàn là những ngôi nhà "đẻ ra tiền mặt" - nơi vốn được coi là chốn riêng nhưng đã biến thành không gian công cộng khi các chủ nhà đều "bắn" lên các tầng trên để nhường tầng một cho thuê kinh doanh. Và mặt tiền những ngôi nhà bị che lắp bởi đủ các loại hình ảnh quảng cáo, thương hiệu... Thế Sơn cho rằng anh ghi lại hình ảnh những ngôi nhà Hà Nội xưa và nay cũng như phố phường, con người Hà Nội qua thời gian như một cuộc điều tra xã hội, thật khách quan. Tất cả đều cố gắng mang đến cho người xem những cảm nhận chân thực về một Hà Nội đã, đang từng ngày chuyển động...

Nhà thơ Vi Thùy Linh trong tọa đàm lần này cũng là một sự xuất hiện trở lại với đời sống văn nghệ sau một thời gian khá yên ắng để chăm lo cho gia đình riêng. Nói về tâm lý hoài cổ, về xu hướng coi ký ức bao giờ cũng đẹp, Vi Thùy Linh nhấn mạnh sở dĩ có một "Hà Nội cây và hồ" trong cô luôn luôn xúc động và đẹp đẽ bởi lẽ đó là một Hà Nội tuy nhiều thiếu thốn nhưng lại luôn gắn liền với những người thân yêu. Vì vậy, bằng văn chương cô lưu giữ những hình ảnh đẹp đẽ ấy của Hà Nội cũng như lưu giữ tâm hồn, ký ức của mình và gia đình. Tác giả của những trang thơ, trang viết đầy sự nồng nhiệt này cũng chỉ ra "Sở dĩ có sự lạc mất tinh thần Hà Nội cũng vì ta chưa biết yêu Hà Nội một cách thật lòng, nhất là khi cuộc sống mưu sinh cuốn mỗi người trôi đi theo nhiều cách".

2. Cần có ý thức bồi đắp cho Hà Nội

Với vai trò là chủ tọa, kiến trúc sư Phó Đức Tùng tỏ ra đặc biệt nhanh nhạy khi "tóm" được những ý chính, làm nổi bật những quan điểm của các diễn giả mà thường do trong "cơn say" trình bày đôi chỗ bị mờ nhạt, lan man... Trong đó, anh chỉ ra Hà Nội không chỉ bây giờ mới thay đổi mà từ xưa đã thay đổi và luôn luôn có sự vận động không ngừng. Hà Nội của bộn bề không phải không có điều thú vị...

Trên cơ sở những quan điểm, chia sẻ của diễn giả, người nghe không chỉ đến nghe, họ còn lên tiếng, người bày tỏ sự đồng tình, người đặt câu hỏi và người thì phản biện. Trong đó, một nhà giáo về hưu cũng nhấn mạnh quan điểm Hà Nội luôn thay đổi từ xưa chứ không chỉ bây giờ. Nhưng cái đáng nghĩ có khi không phải là Hà Nội thay đổi mà là chính con người ở Hà Nội thay đổi theo hướng tích cực hay tiêu cực hơn thôi. Ông cũng chỉ ra những nét văn minh hơn của thành phố so với những bức ảnh của nghệ sĩ Thế Sơn chụp trước đó như hệ thống đường dây điện ngầm, quy định về biển quảng cáo...

Một khán giả khác cho rằng cần có cách nhìn rộng lượng hơn để thỏa mãn tình yêu Hà Nội của nhiều người cho dù họ không hẳn sinh ra, lớn lên nhưng lại đang cống hiến, làm việc ở thành phố. Một bạn sinh viên cũng nêu "Dù thế nào thì em vẫn yêu Hà Nội!".

Trao đổi với người nghe, nhà văn Vi Thùy Linh cho rằng: Đương nhiên sẽ không thể bắt Hà Nội phải nguyên xi như hôm qua. Cũng như vậy, chị cũng không có ý phân biệt giữa Hà Nội trước và sau mở rộng, nhưng là nhà văn chị phải trung thực với cảm xúc của mình, chị chỉ có thể viết về vùng đất mà mình thực sự gắn bó...

Có thể nói, còn rất nhiều chia sẻ, phản biện, song như các diễn giả bày tỏ là tất cả mọi người đến với cuộc tọa đàm đều vì sự quan tâm đặc biệt với thành phố, trăn trở với những đổi thay mỗi ngày ở nơi đây. Sự giao lưu, nhập cư ở Hà Nội là điều dễ hiểu nhưng có phải ý thức bồi đắp cho Hà Nội của chính mỗi người dân sống trên mảnh đất này mới thực sự là điều phải suy nghĩ, phải quan tâm?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lắm ý thức tự bồi đắp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.