(HNM) - Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát hiện trường dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. |
Hành lang vận tải quan trọng
Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến TP Cà Mau (đường Vành đai số 2) dài khoảng 2.109km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố, có quy mô 4-6 làn xe... Việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết những hạn chế của các tuyến quốc lộ đang có.
Đặc biệt, đây là hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Riêng đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm... Chính phủ cho rằng, với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như ý kiến của thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết, phạm vi đầu tư của dự án. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), với thực tế bình quân có khoảng 20 người sở hữu một xe ô tô như hiện nay, đến năm 2020 sẽ còn tăng cao hơn, đòi hỏi hạ tầng giao thông phải đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, tốc độ di chuyển hàng hóa tuyến Bắc - Nam khoảng 40-45km/h. Do đó, Việt Nam cần có đường bộ cao tốc Bắc - Nam để tăng tốc độ di chuyển hàng hóa, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Cần tính toán kỹ
Vốn đầu tư là vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn nhất. Theo đại biểu Trần Việt Khoa (Đoàn Hà Nội), giai đoạn 2017-2020 cần 118.716 tỷ đồng là nguồn vốn lớn, nếu chúng ta không bảo đảm kịp thời rất dễ phát sinh nhiều vấn đề. Đặc biệt, có 8/11 dự án triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nếu không làm tốt, chỉ đạo sâu sát sẽ dẫn đến tiêu cực trong quá trình đầu tư.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ dự liệu con số phát sinh của dự án, vì chắc chắn với dự án lớn, làm trong thời gian dài và trên diện rộng sẽ có nhiều phát sinh. Đại biểu cũng lưu ý, công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến hàng nghìn hộ dân nên phải bảo đảm tính minh bạch, công khai sớm dự kiến giá phí đường bộ để nhân dân có ý kiến.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, cần mở rộng hai bên đường. Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) nêu lại việc sau khi xây dựng quốc lộ 5, từng phải mở rộng thêm hai bên đường, do đó, cần tính kỹ quy mô giải phóng mặt bằng để tránh đội vốn phát sinh nếu sau này mới mở rộng.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) chỉ rõ khó khăn của dự án đó là, việc huy động các nguồn lực về vốn để triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Hơn nữa, theo đại biểu, trước đây chúng ta thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thủ tục, việc lựa chọn nhà đầu tư đơn giản hơn. Lần này là tổ chức đấu thầu thì phải chọn nhà đầu tư có năng lực để triển khai. Việc giải phóng mặt bằng nên giao cho địa phương kết hợp với chủ đầu tư để thực hiện.
Về thu hút đầu tư, theo đại biểu Vũ Hồng Thanh (Đoàn Quảng Ninh), các hình thức BOT, PPP cần có luật là cơ sở pháp lý quan trọng, công khai, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Còn đối với các nhà đầu tư trong nước, cũng cần xác định được mức giá cụ thể để các nhà đầu tư dễ tính toán.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, khi đầu tư xây dựng dự án cần tính đến hướng phát triển lâu dài để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế bền vững, nối với các khu vực phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần tính toán tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là đối với những vùng hay bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nước biển dâng… Đặc biệt, nhiều đại biểu nhấn mạnh, nếu dự án này được thông qua thì Chính phủ cần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án. Ban Chỉ đạo phải sâu sát để bảo đảm tiến độ, vốn và chất lượng dự án.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải làm một đoạn phim trình Quốc hội xem để nắm rõ sự cần thiết đầu tư tuyến, đoạn nào 2 làn, 4 làn, 6 làn. Về nguồn vốn nhà nước bố trí cho dự án, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia, trong đó bố trí cho dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh 10.000 tỷ đồng, 70.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc - Nam... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.