(HNM) - Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, phố Hà Nội còn rất nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo (QC) lắp đặt sai vị trí, quá kích thước quy định... chưa được xử lý dứt điểm. Đáng nói, theo quy định, với biển hiệu, bảng QC rộng hơn 20m2, phải xin phép xây dựng, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tùy tiện lắp đặt dù chưa được cấp phép,
Phớt lờ quy định
Thực hiện Luật QC số 16/2012/QH13 và Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, trong năm 2016, các sở, ngành, quận, huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý, giải tỏa các biển hiệu, bảng QC lắp đặt sai quy định. Tuy nhiên đến nay, nhiều biển hiệu, bảng QC lắp đặt sai vị trí, vượt kích thước, sai nội dung,... vẫn tồn tại trên nhiều tuyến đường, phố Hà Nội. Đặc biệt, có nhiều biển hiệu lớn, diện tích bề mặt rộng hơn 20m2 của một số đơn vị như: Media mart, Thegioididong.com, FPT shop.com.vn, Kangaroo, Trananh - chuyên gia điện máy, Điện máy xanh, Bibo mart, Kids Plaza... hầu như không xin phép xây dựng công trình QC theo quy định. Trong khi đó, Điều 31, Luật QC quy định rõ: Các trường hợp xây dựng màn hình chuyên QC ngoài trời có diện tích một mặt từ 20m2 trở lên; xây dựng biển hiệu, bảng QC có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; bảng QC đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40m2 trở lên đều phải xin cấp phép xây dựng.
Một bảng quảng cáo cỡ lớn tại huyện Hoài Đức chưa được xử lý. |
Tìm hiểu tại một số địa phương được biết, đối với dạng vi phạm này, khi phát hiện tổ chức, cá nhân không xin cấp phép xây dựng công trình QC, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ biển hiệu, bảng QC vi phạm. Song, nhiều tổ chức, cá nhân cố tình chây ỳ không tháo dỡ, không nộp phạt, gây khó khăn cho công tác quản lý ở cơ sở. Vi phạm điển hình phải kể đến biển hiệu của hệ thống siêu thị Media tại nhiều tuyến đường, tuyến phố. Hầu hết các biển hiệu, bảng QC của đơn vị này đều có diện tích trên 20m2 nhưng không xin phép xây dựng. Mặc dù cơ quan chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính đối với đơn vị chủ quản - Công ty CP Media mart Việt Nam về hành vi vi phạm xây dựng các biển hiệu QC không phép tại một số siêu thị, thế nhưng đến nay Media mart vẫn phớt lờ quy định, hàng loạt biển hiệu vi phạm chưa được tháo dỡ.
Khó khăn trong xử lý
Khảo sát dọc các trục đường lớn trên địa bàn Hà Nội như Trường Chinh, Khâm Thiên, Cầu Diễn (quốc lộ 32), Quang Trung (Hà Đông), Tố Hữu, Nguyễn Lương Bằng, Giải Phóng... phóng viên ghi nhận rất nhiều biển hiệu, bảng QC vi phạm nghiêm trọng các quy định về vị trí lắp đặt, kích cỡ, nội dung... Điều 34, Luật QC quy định, đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu; biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa... Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều biển hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trên, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
Thống kê của Phòng VHTT quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận hiện còn 8 biển hiệu, bảng QC có diện tích trên 20m2 không có giấy phép xây dựng (tập trung chủ yếu ở đường Nguyễn Trãi) chưa được xử lý. Tại huyện Hoài Đức cũng còn 8 biển hiệu, bảng QC tấm lớn (không có giấy phép xây dựng, cao hơn 3m) của các tổ chức, cá nhân. Phòng VHTT huyện đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị này tự giác tháo dỡ trước Tết Nguyên đán 2017, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1-2 đơn vị tự khắc phục, các đơn vị khác vẫn “án binh bất động”. Tại quận Bắc Từ Liêm, theo kết quả rà soát mới nhất, hiện còn tồn tại 130 biển hiệu, bảng QC, băng rôn... sai quy định, trong số đó vi phạm chủ yếu là vượt chiều cao…
Ông Lê Bình Minh, Phó Trưởng phòng VHTT quận Bắc Từ Liêm cho biết, khó khăn trước tiên trong xử lý vi phạm là nhân lực. Hiện nay, mỗi xã, phường chỉ có một cán bộ văn hóa, phải kiêm nhiệm, đảm đương quá nhiều việc. Hơn nữa, Ngành VHTT chỉ được kiểm tra và xử lý về nội dung biển hiệu, QC, còn trong quá trình xây dựng thì thẩm quyền lại thuộc Ngành Thanh tra xây dựng, do vậy khó xử lý triệt để. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành từ thành phố đến cơ sở chưa đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân hạn chế, nhiều tổ chức, cá nhân còn chống đối khi lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ...
Còn ông Phạm Đức Hòa - Trưởng phòng VHTT quận Hà Đông cho biết, năm 2015, UBND quận đã xử phạt hành chính Media mart do xây dựng 2 bảng QC nhãn hiệu Sony và Oppo có diện tích trên 20m2 tại mặt tiền cửa hàng số 3 của công ty ở địa chỉ tòa nhà SDU (Km10, Trần Phú - Hà Đông) với số tiền là 50 triệu đồng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu mặt tiền tòa nhà SDU, nhưng công ty này cố tình không nộp phạt khiến UBND quận phải dùng tới biện pháp cưỡng chế...
Để xử lý dứt điểm vi phạm, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, kiên quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.