(HNM) - Các cơ quan quản lý đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và khẳng định vị thế của hàng Việt với người tiêu dùng.
Hàng Việt Nam ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Ảnh: Đàm Duy |
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai trong tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, giá "đầu vào" của hàng hóa liên tục tăng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các DN trên cả nước đã, đang nỗ lực chủ động vượt qua thử thách từng bước đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Nhiều DN chú trọng xuất khẩu nay đã đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Trong các siêu thị, tỷ lệ hàng Việt được "phủ sóng" rất cao, người dân thành phố đã có sự chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt thay hàng ngoại. Ở nông thôn, những chuyến xe chở hàng Việt len lỏi đến những vùng sâu, vùng xa đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của bà con nông dân hơn cả mong đợi của DN. Nhiều cơ quan, đơn vị, DN nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực trong việc mua sắm chi tiêu công bằng cách ưu tiên dùng hàng Việt… Đó là những kết quả đáng mừng đối với hàng nội địa.
Tuy nhiên, đến nay tình hình hàng lậu tràn lan trên thị trường đang là vấn nạn gây nhức nhối đối với các lực lượng chức năng và DN. Bất cứ thứ gì có thể bán được đều có hàng lậu, từ cây kim, sợi chỉ, đến thực phẩm, đồ dùng gia đình, đồ dùng học sinh, hàng điện tử… Hàng lậu bắt mắt và giá đặc biệt rẻ đang "giết" dần hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều DN còn sang Trung Quốc thuê sản xuất hàng hóa, đóng nhãn mác, xuất xứ Việt Nam rồi mang về thị trường nội địa tiêu thụ, nhằm trục lợi. Trước những biến động kinh tế theo chiều hướng ngày càng xấu đi, trong khi chính sách phân bổ nguồn lực không đồng đều của Nhà nước dành quá nhiều ưu ái cho các tập đoàn và tổng công ty khiến các DN tư nhân, DN vừa và nhỏ rơi vào tình trạng kiệt sức, thì hiện tượng hàng hóa ruột Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam bây giờ không còn là tình trạng nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu, khiến thị trường nội địa càng khó khăn hơn.
Để hàng hóa Việt có hiệu ứng lan tỏa, thì chất lượng là điều quan trọng. Quy tắc của người tiêu dùng là sẽ chỉ lựa chọn hàng tốt nhất cho mình, với giá hợp lý, vì vậy DN sản xuất cần tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa quy trình sản xuất, từng bước gia tăng thị phần và khẳng định vị thế, thương hiệu của mình. Nhưng để làm được điều đó, việc tái cơ cấu kinh tế là hết sức cần thiết, trong đó cốt lõi của vấn đề là phải phân bổ lại nguồn lực. Nhà nước cần dành nguồn lực cho những nơi mang lại hiệu quả, chứ không nên phân bổ nguồn lực theo thành phần kinh tế hoặc quy mô dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.