(HNM) - Đã hơn 5 năm được thí điểm tại 5 tỉnh, TP, Quy chế "MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư (KDC)" vẫn có ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của nó.
Ráo riết thực hiện với một quyết tâm cao, các đơn vị làm điểm nhanh chóng phổ biến quy chế đến KDC, hộ gia đình, bố trí hòm thư giám sát ở khu vực công cộng nhằm phát huy "tai mắt" của dân, thậm chí MTTQ còn xây dựng quy chế phối hợp với ủy ban kiểm tra cấp ủy làm cơ sở thực hiện việc giám sát, kiểm tra, phát hiện dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ở địa phương.
Đã có những kết quả bước đầu, riêng tại Hà Nội nhận được hơn 1.200 đơn và ý kiến phản ánh về những hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên như nhận tiền hối lộ, lấn chiếm đất công, xây dựng công trình không phép... Nhưng việc chỉ có hơn 10% số đơn do các tổ chức thành viên MTTQ phát hiện, cho thấy nhiệm vụ này còn phó mặc cho MTTQ. Trong khi đó có thực tế, lực lượng cán bộ mặt trận còn quá mỏng, làm quá nhiều việc, năng lực chưa thực sự đáp ứng, chưa kể đến tâm lý ngại va chạm, mối quan hệ dòng tộc... Ngay gần đây thôi, dư luận râm ran bàn luận, vị cán bộ nọ bị vỡ nợ phải bỏ trốn, rồi một cán bộ khác cũng có "tầm cỡ" ở một huyện ngoại thành bỗng dưng bỏ việc, kèm theo lời phán đoán "vỡ nợ". Điều đáng nói, thông tin này chưa hề được cán bộ mặt trận, các tổ chức thành viên hay người dân địa phương có đơn, ý kiến phản ánh (tính xác thực hay không xác thực của thông tin) theo tinh thần của quy chế. Nói như vậy đủ thấy công việc giám sát cán bộ, đảng viên ở KDC còn khó đến nhường nào.
Ai cũng hiểu mục đích ban hành quy chế nhằm phát huy vai trò, "tai mắt" của cán bộ mặt trận, hơn hết mỗi người dân ở KDC tham gia giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm, hạn chế các hiện tượng tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Để quy chế này đạt hiệu quả hơn nữa, TƯ cần sớm đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện về cơ chế giám sát; quy trình giải quyết đơn thư giám sát, phản ánh, kiến nghị cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, trả lời các kiến nghị liên quan. Ngoài ra, cần thiết có cơ chế bảo vệ đi đôi với khen thưởng người giám sát, phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực, tham nhũng. Có như thế mới phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.