(HNM) - Ngành Nông nghiệp của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa đất nước ta trở thành nguồn cung nông sản, thực phẩm quan trọng cho thị trường thế giới... Nói như vậy bởi, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia, vùng lãnh thổ và tạo được thiện cảm với các đối tác nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trên thế giới.
Có thể nói, những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Trong “sân chơi” toàn cầu hóa, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tới nhiều thị trường quốc tế. Đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã mở ra nhiều triển vọng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định khắt khe với hàng hóa nhập khẩu như yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm, về kiểm soát tồn dư hóa chất... cũng đang đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thực tế là trong 7 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh do rào cản từ yêu cầu về chất lượng và xuất xứ hàng hóa.
Chất lượng cuộc sống càng cao, đòi hỏi của con người về chất lượng nông sản, thực phẩm càng khắt khe và vấn đề đặt ra không chỉ là việc tạo những sản phẩm tốt với hàng loạt quy chuẩn mà còn phải dành sự quan tâm thích đáng đến thương hiệu, cách thức trình bày, phương pháp truyền thông… Và như vậy xúc tiến thương mại cần một hướng đi mới với những hành động tích cực mang tính đột phá.
Cùng với việc thay đổi cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin của các tham tán thương mại theo hướng dự báo để các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, Bộ Công Thương đã, đang và tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tạo dấu ấn nhận diện thương hiệu Việt với sự khác biệt riêng có...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các bên liên quan tích cực đàm phán tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu ở những thị trường tiềm năng. Ví dụ với thủy sản, sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường còn nhiều dư địa như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như: Kết nối doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước thông qua hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế tại những thị trường trọng điểm để quảng bá, giới thiệu nông sản của Việt Nam...
Với Hà Nội, ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp Thủ đô đang thúc đẩy hợp tác với các tỉnh, thành phố hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong xu thế hội nhập; đồng thời tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu… là những ví dụ sinh động. Song bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cũng phải chủ động đổi mới phương thức sản xuất, hình thành các chuỗi từ cung ứng nguyên liệu đến xuất khẩu. Không cách nào khác, chính doanh nghiệp phải nhìn xa, trông rộng, đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hướng tới phát triển bền vững và lâu dài.
Nhiều kế hoạch, nhiều ý tưởng xúc tiến thương mại đã được triển khai trong thực tế, đặc biệt với lĩnh vực xuất khẩu nông sản và thu được những kết quả đáng khích lệ. Thực tế cho thấy, giải pháp tích cực sẽ mang lại hiệu ứng tích cực và để Việt Nam trở thành nguồn cung nông sản cho thế giới, cần nhiều hơn nữa những hành động mới, những việc làm cụ thể với quyết tâm cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.