(HNM) - Để bảo đảm cho phát triển, nhất là phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Viễn thông xác định phải đi trước để đầu tư, xây dựng hạ tầng mạng lưới.
Nếu như mạng di động 2G, 3G, 4G đang tạo ra kết nối 7 tỷ người trên toàn cầu thì mạng 5G tạo ra kết nối cho hàng nghìn tỷ thiết bị. Mạng 5G sẽ là hạ tầng cho kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà mạng cần coi việc đầu tư cho mạng 5G vừa là để phục vụ nhu cầu phát triển vừa là thực hiện trách nhiệm với đất nước. Ban đầu chưa triển khai 5G rộng trong phạm vi cả nước thì sẽ triển khai ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện, Bộ TT-TT có chủ trương cấp tần số 5G thử nghiệm từ năm 2019 để đến năm 2020 khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam là một trong những nước bắt nhịp sớm.
Còn theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số (Bộ TT-TT), Bộ sẽ bổ sung băng tần cho 5G, gồm một phần băng 700 MHz, 3.500 MHz và 2.600 MHz. Tuy nhiên, mạng 5G sẽ phải sử dụng băng tần cao nên có đặc điểm vùng phủ nhỏ, cần một lượng lớn trạm thu phát sóng, vì vậy đã đến lúc các nhà mạng tính tới phương án dùng chung, chia sẻ hạ tầng viễn thông để giảm chi phí xã hội.
Nếu hạ tầng 5G được coi là điều kiện cần để phát triển, phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì các chính sách cho phát triển công nghệ TT-TT là điều kiện đủ. Chính phủ đã giao Bộ TT-TT lập Trung tâm làm chính sách cho các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các mô hình kinh doanh mới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, việc xây dựng chính sách sẽ được tiếp cận theo hướng mới mà nhiều nước đang làm, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển nhưng trong một không gian, thời gian nhất định, sau đó hình thành chính sách quản lý.
Tại hội thảo Đổi mới sáng tạo trong ngành Viễn thông do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Vai trò của công nghệ mà đặc biệt là 5G và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng. Do vậy, cần tập trung phát triển nhân lực trình độ cao, tinh thần dám làm; đồng thời kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước, giữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với thế giới. Cùng quan điểm, bà Thạch Lê Anh, sáng lập viên Thung lũng Silicon Việt Nam cho biết, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cần thiết, cần thực hiện các nguyên tắc về đăng ký bản quyền sáng tạo. Ngoài ra, cần thực hiện trao đổi về hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với nước ngoài...
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc sáng tạo của Tập đoàn CMC cho rằng việc xây dựng hạ tầng 5G cùng những chính sách cho phát triển sẽ là động lực cho CMC tham gia cung cấp giải pháp, dịch vụ để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khác hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Còn ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV chia sẻ về đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị điện thoại di động. Theo đó, doanh nghiệp nên tập trung phát triển phần mềm vì đó mới là phần giá trị tăng thêm trong chiếc điện thoại và cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cần có 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản xuất để dần thay thế doanh nghiệp nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.