Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp tạo sự đột phá

Khánh Vũ| 26/12/2015 09:06

(HNM) - Ngày 25-12, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2015, tổng kết công tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 do Bộ KH&CN tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: Việc đổi mới là rất gian khổ và khó khăn nhưng nhất định phải làm.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH No Ble, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.Ảnh: Linh Ngọc


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với Bộ KH&CN về việc rà soát lại và điều chỉnh một số nội dung cụ thể các mục tiêu giai đoạn 5 năm tới cho sát với thực tiễn.

Sản phẩm công nghệ cao đóng góp 28,7% tổng sản phẩm quốc nội

Nhìn lại quá trình thực hiện Chiến lược năm 2011-2015, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, trong số 9 mục tiêu chiến lược đề ra, có những mục tiêu đã đạt được hoặc có khả năng đạt được vào năm 2020. Trong đó phải kể đến giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ trọng đóng góp đã tăng từ 11,7% vào năm 2011, lên 28,7% vào năm 2013. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm; số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng 15 - 20%/năm, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010…

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&CN cũng thừa nhận: Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng, nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, cán bộ đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đều do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra.

Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng…, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu hơn 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chưa đạt 20% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Bên cạnh đó, phần lớn các công bố quốc tế xuất xứ từ Việt Nam là các bài báo, công trình đứng tên chung với các tác giả nước ngoài; chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số tác động khoa học còn chưa đạt mức trung bình thế giới.

Đánh giá chung, trình độ KH&CN nước ta nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Về quản lý hoạt động KH&CN, còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy, chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến. Việc cấu trúc chương trình, xác định nhiệm vụ, tiêu chí sàng lọc và phương thức triển khai đối với các nhiệm vụ KH&CN theo cơ chế mới còn lúng túng. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng nêu ra một số chỉ tiêu chiến lược chưa đạt được và khó có thể đạt được vào năm 2020 như: Đầu tư, tăng tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển một số lĩnh vực KH&CN tiên tiến đạt trình độ khu vực và quốc tế...

Nhà nước là "bà đỡ" cho doanh nghiệp

Giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN xác định những giải pháp nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu chiến lược đề ra. Để khắc phục khó khăn về nguồn lực, Bộ KH&CN đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư cùng phối hợp, có biện pháp mạnh triển khai cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn lớn trích đủ 3-10% thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ. UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương thành lập các quỹ phát triển KH&CN, đưa vào hoạt động để hỗ trợ kịp thời cho việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận nỗ lực của Bộ KH&CN trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2015, khi tìm cách tháo gỡ những khó khăn để đạt mục tiêu chiến lược nói riêng và phát triển KH&CN nói chung. Những rào cản lớn nhất mà ngành KH&CN đang phải đối mặt, đó là: Khó thay đổi thói quen, nếp nghĩ cũ; nguồn lực cho nghiên cứu khoa học có hạn; bất cập trong quản lý, xét duyệt đề tài, dự án nghiên cứu; thiếu thiết chế sáng tạo ở tầm quốc gia; chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học chưa hợp lý…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, do nguồn lực có hạn nên chỉ tập trung vào một số ít nhiệm vụ trọng điểm mang tính đột phá thực sự và phải làm bằng được, làm tới cùng. Quá trình xét duyệt đề tài, dự án phải minh bạch, rõ ràng, trong đó đặc biệt là khâu phản biện, bởi không thể có đủ lực lượng để thanh tra, giám sát hết các đề tài, dự án. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay, theo đúng xu thế, cũng là để tập trung nguồn lực, hoạt động sáng tạo, KH&CN phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phải kéo các trường đại học vào cuộc và đổi mới cơ chế của các viện nghiên cứu. Nhà nước không chỉ là người rót tiền, mà còn là "bà đỡ" cho doanh nghiệp, cho các trường, các viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp tạo sự đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.