(HNM) - Trong bối cảnh hàng chục nghìn DN rơi vào tình trạng tạm ngừng kinh doanh, thậm chí mấp mé bờ vực phá sản, gói giải pháp về giãn, giảm, miễn thuế của Chính phủ trình Quốc hội (QH) tại phiên họp ngày 12-6, kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII được coi là "phao cứu sinh" hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các ĐBQH, mặc dù cùng gánh chịu những ảnh hưởng chung của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, song "sức khỏe" của DN Việt Nam đang "yếu" hơn rất nhiều so với các DN trong khu vực. Để giúp DN giải phóng lượng hàng tồn kho và gượng dậy trong khó khăn, rất cần những biện pháp mạnh tay về thuế...
Phương án giãn, giảm thuế sẽ là cơ hội để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Như Ý |
Miễn thuế thu nhập - số tiền nhỏ, ý nghĩa lớn
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I-2012 chỉ đạt 4%, chỉ số hàng tồn kho tăng cao, chỉ số phát triển công nghiệp ở mức thấp. 15/21 ngành kinh tế đã giảm doanh thu so với cùng kỳ năm 2011. Qua theo dõi việc đăng ký mã số thuế, trong quý I, số DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là gần 18.700 DN; số DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động gần 10.350 DN, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Để hỗ trợ cộng đồng DN, Chính phủ đã trình QH giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho DN nhỏ và vừa (đáp ứng những tiêu chí theo quy định) và miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân; hộ cung ứng suất ăn ca và giữ trẻ... với điều kiện giữ ổn định mức giá như cuối năm 2011. Tờ trình của Chính phủ đã được các ĐBQH ủng hộ và đánh giá cao.
Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, mặc dù Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH không tán thành việc miễn thuế khoán GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN cho các hộ, cá nhân kinh doanh phòng trọ, trông giữ trẻ, cung ứng xuất ăn ca, song việc làm này trên thực tế lại tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực. ĐB Trần Thanh Hải (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu dẫn chứng, trong bối cảnh DN phá sản hàng loạt, lương công nhân điều chỉnh tăng không kịp tốc độ tăng giá, đề xuất giảm thuế cho các đối tượng trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca và cho thuê phòng trọ của Chính phủ sẽ góp phần rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho DN tiếp tục tạo ra sản phẩm cho xã hội và công ăn việc làm cho người dân. "Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 56.948 người có phòng trọ đã đăng ký với TP cam kết không tăng giá nhà trọ cho 1.059.120 công nhân lao động và sinh viên. 1.637 trường, nhà trẻ cam kết không tăng giá tiền ăn, nhưng bảo đảm dinh dưỡng cho 166.954 con công nhân lao động. Những chính sách của Chính phủ đề xuất lần này tuy mức tiền không nhiều nhưng có ý nghĩa lớn lao" - ĐB Trần Thanh Hải chia sẻ.
Liên quan đến việc miễn thuế TNCN, nhiều ĐBQH cũng đề xuất miễn thuế TNCN ở các bậc trong khi chờ sửa đổi luật đang trở nên lạc hậu so với thực tế này, đặc biệt là miễn thuế với bậc 1. Theo ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng), số tiền miễn thuế TNCN sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng, song bù lại sẽ kích cầu tiêu dùng, qua đó giải phóng bớt lượng hàng tồn kho của DN.
Giảm thuế để tạo niềm tin cho DN
Đề xuất giảm 30% thuế TNDN của Chính phủ đã được hầu hết các ĐBQH tán thành, song nhiều ĐB cũng cho rằng, cần có những biện pháp mạnh tay hơn mới hy vọng vực dậy các DN. "Phần lớn các DN đang sống thoi thóp, nếu không có những giải pháp mạnh, có hiệu quả ngay thì số lượng DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sẽ còn tăng hơn nữa.
Từ đó, số lao động mất việc làm, tệ nạn xã hội sẽ gia tăng, việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ khó đạt được" - ĐB Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) phân tích. Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) kiến nghị, hiện 150.000 DN nhỏ và vừa đã phải giã từ thị trường, nên cần giảm sớm thuế suất thuế TNDN từ mức 25% xuống 20% để tạo động lực và niềm tin cho DN, qua đó góp phần khôi phục đội ngũ DN vốn là những người đóng góp trực tiếp cho ngân sách quốc gia. Chung quan điểm này, ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) cũng kiến nghị, Chính phủ cần xem xét việc giảm thuế TNDN xuống mức 20% dù mức này theo nhiều ý kiến là đang thấp hơn các nước trong khu vực.
Dưới một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thanh Bình (đoàn Vĩnh Long) lại cho rằng, để "bắt trúng bệnh" cho DN thì việc giảm thuế TNDN chưa có ý nghĩa gì đáng kể. Nên giảm 10% thuế GTGT sẽ giúp DN tiêu thụ được hàng hóa và thực hiện tốt hơn biện pháp kích cầu của Chính phủ.
Mặc dù giải pháp miễn, giảm thuế đều được đa số các ĐBQH tán thành, song để tiền hỗ trợ Nhà nước đến được đúng đối tượng, cần có biện pháp cụ thể, tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan. ĐB Bùi Trí Dũng (đoàn An Giang) nêu ý kiến, nên xác định chính sách hỗ trợ chỉ dành cho DN thực sự khó khăn, tránh cào bằng. Theo ông, nên xem xét cho DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bởi lâu nay, lực lượng này đóng góp khá tích cực cho nền kinh tế nhưng thực tế lại đang bị thiệt thòi do chưa được quan tâm đúng mức.
Tăng mức xử phạt để hạn chế gian lận về thuế
Hoàng Ly |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.