(HNM) - Bắt nguồn từ thôn Phú Nhiêu, xã Thái Hòa có một con ngòi chảy qua địa bàn các xã Phú Sơn, Vật Lại và chảy ra sông Tích. Khoảng 2 năm gần đây, khi có những trận mưa lớn, con ngòi này đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp vì khả năng úng, ngập luôn đe dọa.
Đây là con ngòi tự nhiên, gom nước chảy từ hệ thống đồi và vùng đất trũng, đi qua các xã Thái Hòa, Phú Sơn, Vật Lại của huyện Ba Vì chảy ra sông Tích. Toàn bộ hệ thống ngòi dài khoảng 8km, về mùa khô thường có rất ít nước. Lòng ngòi rộng từ 4m đến 25m, làm nhiệm vụ tiêu úng khi có mưa to cho hàng trăm héc ta lúa của 3 xã này. Hai bên ngòi là đất trồng màu, lúa, nuôi thả thủy sản do người dân tự khai hoang hoặc được chính quyền địa phương giao thầu… Năm 2010, có trận mưa to, kéo dài từ ngày 23 đến 28-8, với lượng mưa 270mm đã làm cho hơn 100ha lúa đang trổ đòng của xã Vật Lại bị úng ngập, trong đó nhiều diện tích đã bị mất trắng.
Đoạn ngòi qua địa phận thôn Cao Lĩnh, xã Phú Sơn bị người dân đắp bờ, ngăn dòng chảy để bắt cá. |
Quan sát thực tế con ngòi tại xã Phú Sơn và Vật Lại, chúng tôi nhận thấy: Trong lòng ngòi xuất hiện những mảng bèo lớn, dày đặc, nhiều đoạn bị bùn đất bồi lắng bằng với mặt ruộng. Ở một số nơi, người dân dùng bao tải cát chặn dòng chảy để bắt cá, hai bên ngòi có nhiều ao thả cá, bờ được đắp cao hơn 1m… Bà Phùng Thị Tình, ở thôn Cao Lĩnh, xã Phú Sơn cho biết: Trước kia ngòi sâu, ngập quá đầu người, nhưng nay có đoạn nước chỉ đến đầu gối. Khoảng 2 năm gần đây, hễ mưa lớn là ruộng hai bên ngòi đều bị úng ngập, thậm chí nhà dân ở gần ngòi cũng bị nước ngập đến ngõ. Về vấn đề này, lãnh đạo xã Phú Sơn và Vật Lại cũng khẳng định: Vật Lại là rốn nước, là điểm cuối cùng của ngòi. Tại đoạn chảy ra sông Tích, độ rộng của lòng ngòi bị "co" lại chỉ còn chừng 4m, dài khoảng 1km (từ xóm Cổ Chông đến cống Trổ Cái), nên nguy cơ úng ngập thường xuyên xuất hiện vào mùa mưa. Nguyên nhân là do dòng ngòi lâu ngày không được nạo vét, bèo quá dày, nhiều đoạn ngòi bị thắt lại, khiến nước không kịp tiêu thoát. Chỉ một trận mưa 50mm đã có thể gây ngập cục bộ, nên vụ đông bà con đành phải bỏ đất hoang. Bên cạnh đó, đoạn sông Tích chảy qua địa phận thị xã Sơn Tây đã bị một số nhà hàng, khách sạn (điển hình là nhà hàng Làng Xưa, phường Phú Thịnh) xây lấn lòng sông, làm cho dòng chảy bị cản, nước không thoát kịp, dồn ứ lại trong ngòi, gây ngập cục bộ. Một số hồ, ao (do địa phương giao khoán) xuất hiện hai bên bờ ngòi đều được cơ quan chức năng cho phép và cách xa mép ngòi 15m nên không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát của dòng chảy. Để hạn chế những thiệt hại về úng ngập, Công ty Sông Tích đang tổ chức nạo vét, vớt bèo và phá bỏ vật cản ở lòng ngòi thuộc địa phận xã Phú Sơn.
Đối với những vi phạm trên sông Tích thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, ông Khuất Văn Học, Phó phòng Kinh tế thị xã lý giải: Sông Tích có độ dốc rất lớn theo hướng từ huyện Ba Vì chảy xuôi xuống các huyện, thị xã Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất… không có chuyện việc chậm tiêu thoát nước của sông Tích làm dồn ứ nước ở con ngòi nói trên. Còn nhà hàng Làng Xưa nằm trên ụ đất nổi giữa lòng sông Tích, khi xây dựng đã được cấp thẩm quyền cấp phép và trong quá trình xây dựng đều được kiểm tra.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, từ trước đến nay sông Tích không hề được cấp thẩm quyền nào ban hành văn bản quy định về hành lang sông và cũng chưa có quy định về hành lang bảo vệ ngòi… Do đó, vấn đề sử dụng quỹ đất dọc hai bên ngòi như thế nào là hợp lý để không làm ảnh hưởng đến dòng chảy còn bỏ ngỏ, chưa có sự đánh giá thực tế và cũng chưa có cơ sở khoa học. Ngoài ra, hệ thống ngòi được hình thành hoàn toàn tự nhiên, không có bờ bao, khi có lượng nước lớn từ hệ thống đồi tràn xuống, nước chảy lênh láng, ngập cả cánh đồng. Ngoài ra, khi chạy qua một số tuyến đường, lòng ngòi đã bị các cống thu hẹp, dẫn đến việc tiêu thoát nước rất khó khăn, có thời điểm mưa lớn, mực nước giữa hai đầu cầu Cao Lĩnh (chạy qua tỉnh lộ 411C) chênh nhau hàng mét nước, vì cống quá nhỏ so với lòng ngòi…
Mùa mưa đang đến gần, việc nạo vét, vớt bèo, phá bỏ vật cản trên lòng ngòi… cần phải làm ngay, song đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Để sản xuất nông nghiệp của người dân ở 3 địa phương trên bớt phần khó khăn, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét để có giải pháp đồng bộ, xây dựng quy chuẩn cho việc khai thác, sử dụng ngòi hợp quy luật tự nhiên, mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.