(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần định hướng lại để chủ động thu hút FDI đúng hướng và hiệu quả.
Phần lớn các ý kiến đều nêu ra những bất cập về thu hút vốn FDI hiện nay và đặt ra yêu cầu phải tìm kiếm những giải pháp đồng bộ để khắc phục vướng mắc và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ngoại.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Nhiều bất cập về thu hút vốn FDI
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, trong 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án này đã đóng góp 18% GDP, 50% giá trị sản xuất nông nghiệp và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn nhiều tồn tại như: gây ô nhiễm môi trường, tình trạng chuyển giá còn phổ biến, việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế...
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong 30 năm qua, FDI đã đóng vai trò quan trọng vào nền kinh tế nước ta, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường xuất khẩu, nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ...
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, một số dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ không phải là dự án công nghệ cao, còn hiện tượng chuyển giá; các dự án công nghiệp nặng về gia công, sử dụng nhiều nguyên vật liệu đầu vào, gây ô nhiễm môi trường... Đây là hạn chế của đầu tư nước ngoài nhưng không phải vì những hạn chế này mà chúng ta không khuyến khích thu hút FDI.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) lo ngại về việc hiện nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế trên khắp cả nước vẫn còn bỏ trống hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện Việt Nam đã cấp phép cho 224 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp trên toàn quốc đạt khoảng 70%. Nguyên nhân khiến nhiều khu công nghiệp chưa được lấp đầy là do sự khác biệt trong lợi thế cạnh tranh giữa các địa phương. Một số địa phương có vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kết nối giao thông... hạn chế hơn so với các địa phương khác nên khả năng thu hút đầu tư cũng khiêm tốn hơn.
Cần định hướng mới trong thu hút FDI
Trong phiên chất vấn sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra yêu cầu Bộ KH&ĐT cần có những giải pháp đồng bộ nhằm thu hút, sử dụng, quản lý hiệu quả dòng vốn FDI. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận định, việc thu hút FDI luôn đóng vai trò quan trọng nhưng làm thế nào để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả thì không hề dễ dàng. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn về khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực. Đại biểu đặt câu hỏi làm thế nào để “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực về thu hút vốn FDI”?
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít sử dụng tài nguyên, không tập trung vào lĩnh vực gia công, có biện pháp chống chuyển giá...
“Qua 30 năm thu hút đầu tư, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học và đến nay cần có định hướng lại để chủ động thu hút FDI đúng hướng. Phải thận trọng trong thu hút đầu tư để thu hút công nghệ mới, mang lại hiệu quả tốt nhất. Cần chủ động hơn để thu hút vốn FDI, cải thiện năng lực cạnh tranh của các địa phương về hạ tầng, quy hoạch, cơ chế chính sách, mặt bằng... Nếu chúng ta chuẩn bị tốt sẽ có thể đón làn sóng đầu tư tốt theo đúng nhu cầu, định hướng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Để tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh của các địa phương trong việc thu hút FDI, theo Bộ trưởng, cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường kết nối các hệ thống giao thông chung như đường bộ, đường sắt, cảng biển; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường xúc tiến đầu tư; rà soát lại quy hoạch; đẩy mạnh các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài...
Bộ trưởng KH&ĐT cũng đánh giá, trước làn sóng đầu tư hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá là có môi trường đầu tư tốt bởi có nhiều lợi thế so sánh với các nước khác như: vị trí địa lí thuận lợi, tình hình chính trị ổn định, dân số đông, thị trường lớn, cải cách mạnh mẽ, nguồn nhân lực tốt, hạ tầng được cải thiện, cơ chế chính sách thuận lợi....
Bên cạnh đó, Việt Nam còn kết nối với thị trường rộng lớn ASEAN thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do. Các tổ chức quốc tế xếp hạng môi trường đầu tư Việt Nam ở thứ bậc cao. Ví dụ, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng đầu tư của World Bank đã tăng 9 bậc, từ 91 lên 82. Các tổ chức Nhật Bản cũng đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam hội đủ các điều kiện tốt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.