(HNM) - Mặc dù, thị trường thế giới đã và đang từng bước vượt qua khó khăn kinh tế nhưng giá trị xuất khẩu hàng nông sản vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Hầu hết các mặt hàng đều tăng về lượng, nhưng lại giảm về giá trị kim ngạch. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản tương xứng với tiềm năng vẫn đang là một trong những bài toán khó đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình). Ảnh: Huy Hùng |
Kim ngạch giảm 7% so với cùng kỳ
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm 2009 đạt 15,34 tỷ USD, giảm hơn 7% so với năm 2008, song vẫn vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao (14 tỷ USD). Trong đó, các mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 8 tỷ USD (giảm gần 11%); thủy sản ước đạt 4,2 tỷ USD (giảm 6,7%); lâm sản ước đạt 2,74 tỷ USD, giảm gần 11%. Năm 2009 là "năm kỷ lục" về xuất khẩu gạo nhưng vì giá gạo biến động giảm nên giá trị không bằng năm 2008. Lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 2,6 tỷ USD, so với năm 2008 tăng 22,7% về lượng nhưng giảm trên 10% về giá trị. Kim ngạch xuất khẩu cà phê cũng sụt giảm, lượng xuất khẩu năm 2009 đạt 1,1 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch chỉ đạt 1,7 tỷ USD (năm 2008 chỉ 1,06 triệu tấn nhưng kim ngạch đạt tới 2,1 tỷ USD).
Điểm sáng nhất trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam là chè, với lượng xuất khẩu cả năm 2009 ước đạt 133 nghìn tấn, kim ngạch 178 triệu USD, tăng 27,31% so với cùng kỳ năm 2008, Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chè năm 2009 tăng hơn 30 triệu USD so với năm 2008 (21,27%), nhưng sự tăng này chủ yếu do tăng lượng, không phải do cải thiện về giá (giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 1/2 của thế giới, trung bình 1,1 USD/kg. Nền kinh tế thế giới suy thoái khiến sức cầu của các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam suy giảm (thị trường EU giảm khoảng 30%; Mỹ khoảng 10% so với năm 2008). Ước tính năm 2009, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,5 tỷ USD, giảm trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thủy sản là một trong những mặt hàng đóng góp lượng kim ngạch xuất khẩu nhiều trong ngành hàng nông nghiệp, năm 2009 đạt khoảng 4,21 tỷ USD (giảm 6,73%).
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo Bộ NN&PTNT việc giá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm, ngoài nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế thế giới khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, còn do chính sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN Việt Nam bằng cách bán phá giá, thậm chí nhiều DN còn bán tống, bán tháo vào lúc có khó khăn về thị trường. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị, uy tín các mặt hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó còn do nông sản của ta chưa quy hoạch được vùng chuyên canh cây, con tập trung quy mô sản xuất manh mún, tự phát, nhỏ lẻ dẫn đến chi phí "đầu vào" cao nên nâng giá thành lên cao; sự liên kết giữa các vùng, địa phương thiếu chặt chẽ vì vậy sản xuất còn mang tính phong trào dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, chất lượng không ổn định, khi được mùa thì lại mất giá.
Để hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phát triển bền vững, tránh tình trạng xuất khẩu nhiều về lượng nhưng lại giảm về giá như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan có liên quan phải có các giải pháp hợp lý, đồng thời có thể giao quyền điều hành cho các hiệp hội. Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng, để hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, yếu tố quan trọng nhất là các DN và người dân cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành thông qua việc sử dụng cây, con giống tốt; kiểm soát chặt chẽ chất lượng cũng như giá cả "đầu vào"; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu các DN kinh doanh nông sản xuất khẩu biết khai thác tốt thị trường truyền thống và có những bước đột phá ở thị trường mới thì sẽ đạt được những kết quả tốt. Về lâu dài, Nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu một cách chặt chẽ, mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng ngày một tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.