Hà Nội kết nối

Căn cứ Minh Đạm - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Chí Linh - Phương Nga 19/08/2023 - 11:18

Di tích cách mạng - Di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi những người yêu nước hoạt động từ những năm 1930 cho đến ngày đất nước thống nhất. Nơi đây giờ trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Đông Nam Bộ.

a502.jpg
Đỉnh Chóp Mao cao nhất dãy núi Minh Đạm, nơi lá cờ đỏ búa liềm được kéo lên lần đầu tiên vào ngày 13-7-1933.

Một thời hào hùng

Dãy núi Minh Đạm chạy dài 9km, rộng 4km qua các xã Tam Phước, thị trấn Long Hải thuộc huyện Long Điền và xã Long Mỹ, thị trấn Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với địa thế hiểm trở, lại nằm sát biển và từ đây có thể dễ dàng tiếp cận Đông Nam Bộ hay Nam Trung Bộ; trên núi có thể quan sát cả một vùng trời biển rộng lớn, nên từ những năm 1930, nơi đây đã là địa bàn hoạt động tích cực của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng.

a501.jpg
Núi Minh Đạm nhìn từ biển.

Đỉnh Chóp Mao là đỉnh cao nhất của dãy núi, đến hơn 320m so với mực nước biển. Trên đỉnh núi này, từ đêm 13-7-1933, những người cách mạng đã treo lá cờ đỏ búa liềm để đông đảo người dân trong một vùng rộng lớn ở Đông Nam Bộ đều có thể nhìn thấy ánh vàng trên nền đỏ như lời hiệu triệu của Đảng, tập hợp lực lượng làm cách mạng.

Cũng tại vùng đất này, vào tháng 2-1934, chi bộ đầu tiên của tỉnh Bà Rịa được thành lập tại Phước Hải, đánh dấu bước phát triển mới trong đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân địa phương, khi có tổ chức Đảng dẫn dắt.

Từ đó, phong trào cách mạng tại đây ngày càng phát triển, cùng các địa phương miền Nam và cả nước tiến hành cách mạng giải phóng quê hương, dân tộc, giành độc lập vào mùa thu lịch sử năm 1945.

a504.jpg
Từ núi Minh Đạm, có thể bao quát cả một vùng đất, trời, biển rộng lớn.

Lịch sử Đảng bộ huyện Long Điền ghi rõ: Tại đây, vào ngày 17-11-1948, Bí thư Huyện ủy Long Điền Bùi Công Minh và Phó Bí thư Huyện ủy Mạc Thanh Đạm trên đường đi công tác, đã bị địch phục kích. Hai đồng chí anh dũng hy sinh. Để ghi nhớ tấm gương vì nước quên thân của các đồng chí, tổ chức Đảng và nhân dân địa phương từ đó gọi vùng núi này là Minh Đạm.

Trên núi Minh Đạm có rừng cây rậm rạp che chở, có vô số hang đá thuận tiện cho tránh trú, sản xuất; có suối nước ngọt Ngọc Tuyền chưa bao giờ cạn và có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào từ thiên nhiên… Đây là nơi lý tưởng để những con người yêu nước tập hợp cùng nhau chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Minh Đạm đã phát triển rộng lớn với nhiều đơn vị quân, dân, đảng hoạt động. Quân địch đã nhiều lần tổ chức các trận càn lớn lên đây, nhằm “xóa sổ” đầu mối chỉ huy cách mạng trong vùng nhưng đều bị đánh bại. Những trận chiến khốc liệt đã diễn ra trong các năm 1966, 1968 và giai đoạn ác liệt nhất là các mùa khô 1969-1972.

a511.jpg
Núi Minh Đạm là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ kế tiếp.

Tổng cộng 2.642 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến tại căn cứ Minh Đạm để góp phần cho đất nước có niềm vui hòa bình, thống nhất, độc lập và phát triển như ngày nay. Năm 1993, căn cứ Minh Đạm được Bộ Văn hóa - Thông tin (tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Như thường lệ, hằng năm, từ dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 19-8 và Quốc khánh 2-9, căn cứ Minh Đạm luôn là nơi về nguồn của các tầng lớp nhân dân vùng Đông Nam Bộ nói riêng và miền Nam nói chung.

a507.jpg
Các bạn trẻ về nguồn tìm hiểu truyền thống cách mạng tại căn cứ Minh Đạm.

Có mặt trong đoàn thanh niên đến từ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước trong hành trình về nguồn đến căn cứ Minh Đạm, Hoàng Trung Chính chia sẻ: “Đoàn tôi đã đi các hang chính trong khu di tích và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Được tận mắt chứng kiến điều kiện sống và chiến đấu, được trải nghiệm hành trình ngắn, nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu và cảm phục thế hệ cha ông xưa đã bền gan chiến đấu, vượt mọi khó khăn, góp phần cho thế hệ trẻ chúng tôi được hưởng tự do, độc lập, thống nhất và hòa bình như ngày hôm nay”.

Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng chia sẻ: Núi Minh Đạm không chỉ có phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn chứa đựng những giá trị thiêng liêng của quân và dân vùng Long Đất xưa. Đó là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Di tích lịch sử cách mạng căn cứ Minh Đạm và hệ thống các di tích khác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm và giáo dục truyền thống cách mạng mang tính đặc trưng, hấp dẫn", ông Trịnh Hàng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căn cứ Minh Đạm - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.