(HNM) - Việc tranh chấp đất giáp ranh giữa phường Biên Giang (Hà Đông) và xã Phụng Châu (Chương Mỹ) ngày càng trở nên phức tạp, khi cả hai bên đều khẳng định đây là đất thuộc địa giới hành chính do địa phương quản lý…
Phần đất đã được xã Phụng Châu cho phép xây tường bao, nhưng phường Biên Giang ngăn chặn. |
Từ hệ thống tài liệu thiếu đồng nhất…
Ngày 31-10-2011, khi UBND phường Biên Giang giải phóng mặt bằng tại khu vực trạm bơm Biên Giang đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình bà Nguyễn Thị Châu, ở thôn Long Châu, xã Phụng Châu, vì ngày 13-9-2011, diện tích đất này đã được UBND huyện Chương Mỹ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sản xuất nông nghiệp cho bà. Trong khi sự việc còn chưa ngã ngũ, chỉ 4 ngày sau, UBND xã Phụng Châu lại cho phép bà Châu xây tường bao quanh thửa đất đó và ngày 6-11-2011, gần 50 người đã đến đào móng, xây tường…, song đã bị chính quyền địa phương ngăn chặn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, các tài liệu hiện đang lưu giữ tại phường Biên Giang ghi rõ: Năm 1983, Biên Giang và Phụng Châu đã có văn bản đổi 3,2 sào đất nông nghiệp. Theo đó, Biên Giang nhận đất tại cánh đồng Phượng Đồng của xã Phụng Châu để xây dựng trạm bơm; còn Phụng Châu nhận đất ở một khu vực khác của phường Biên Giang để xây mương tiêu nước. Năm 1980, phường Biên Giang xây trạm bơm và giao cho ông Nguyễn Văn Khải, ở thôn Yên Thành, xã Biên Giang vận hành máy bơm, đồng thời Hợp tác xã Nông nghiệp Biên Giang còn giao thêm cho ông phần đất cạnh trạm bơm để tăng gia sản xuất. Khi ông Khải nghỉ vận hành máy bơm, hợp tác xã và UBND phường Biên Giang đã nhiều lần yêu cầu ông trả lại đất, nhưng ông không đồng ý; hơn thế, ông còn chuyển nhượng thửa đất này cho bà Nguyễn Thị Châu vào năm 2003. Cuối năm 2010, trạm bơm được xây dựng lại và hệ thống tường bao đã chặn đường đi xuống phần đất lợi hà để canh tác của người dân, nên UBND phường Biên Giang phải mở lối đi mới, rộng 1,5m, dài 35m ở khu đất liền kề trạm bơm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Biên Giang khẳng định: Từ năm 1983 đến nay, diện tích đất này vẫn thuộc quyền quản lý của phường. Bản đồ đo năm 1984, khu đất trên thuộc thửa 50, diện tích 2.430m2, ký hiệu TB. Trong bản đồ xác định địa giới, can lại theo bản đồ gốc F48-116 ngày 16-12-1996, phần đất nêu trên vẫn thuộc địa giới quản lý của phường Biên Giang. Tại biên bản ngày 2-10-2010 và 23-8-2011 xác định ranh giới giữa hai địa phương để giải quyết vấn đề đơn thư và xác định mốc giới xây trạm bơm, lãnh đạo phường Biên Giang và xã Phụng Châu cũng xác định hơn 2.000m2 (đất nông nghiệp và đất lợi hà) ở khu vực trạm bơm là đất thuộc địa giới quản lý của phường Biên Giang.
Đến cấp GCNQSDĐ thiếu chuẩn xác
Trong buổi gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo hai địa phương vào ngày 16-11-2011, ông Phạm Quang Định, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Châu cho biết: "Diện tích đất mà bà Châu được UBND huyện Chương Mỹ cấp GCNQSDĐ đã khẳng định phần đất này thuộc xã Phụng Châu quản lý. Hơn nữa, hai địa phương trước kia chỉ đổi 3,2 sào đất nông nghiệp, nhưng nay lại là hơn 2.000m2, không thể khẳng định phần đất của bà Châu thuộc phường Biên Giang". Song, vì trong GCNQSDĐ của bà Châu không có số thửa, chỉ ghi diện tích 460m2, tờ bản đồ số 13, ở Lỗ Thổ, thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, nên không xác định chính xác ở đâu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đảm, Phó phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Chương Mỹ cho rằng: Hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho bà Châu là hợp lệ; tuy không có số thửa, nhưng các cạnh giáp ranh thể hiện: phía Đông Bắc giáp bờ sông, phía Đông Nam giáp Công ty Trường Phong, phía Tây Bắc giáp cống cơ mương và phía Tây Nam giáp đường trục huyện. Đối chiếu với thực địa theo các cạnh giáp ranh nêu trên, thì thửa đất của bà Châu là thửa đất cũng ở liền kề trạm bơm, nhưng tại địa điểm đó HTX Biên Giang đã giao khoán cho hai gia đình làm dịch vụ gần chục năm nay? Còn phần đất mà xã Phụng Châu đồng ý cho bà Châu xây tường bao lại có diện tích khoảng 700m2, giáp Công ty Hạnh Trường? Như vậy, diện tích đất mà UBND huyện Chương Mỹ cấp cho bà Châu vẫn là một "ẩn số" và khó có thể xác định chính xác, nếu địa giới giữa hai địa phương không được xác định rõ ràng.
Việc đổi đất tùy tiện cùng với hồ sơ, tài liệu lưu trữ không đồng nhất cũng như cách làm việc thiếu phối hợp giữa hai địa phương đã gây ra những hệ lụy lâu dài. Để giải quyết dứt điểm tranh chấp này, đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội sớm vào cuộc và chính quyền quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ xác định lại ranh giới giữa các bên, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.