Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có quy hoạch tổng thể

Minh Ngọc| 05/10/2016 06:46

(HNM) - Việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành chức năng và mỗi người dân. Nhờ đó, khu di tích quốc gia đặc biệt này còn tương đối nguyên trạng, trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu hấp dẫn bậc nhất Thủ đô.

Nhiều vấn đề tồn tại

Sau sự việc người dân sống gần di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hành vi xây dựng trái phép (điện thờ - PV) trên đảo Kim Châu giữa hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dư luận bàng hoàng đặt câu hỏi: Tại sao họ có thể ứng xử như thế đối với một di tích đặc biệt nằm ngay trung tâm thành phố, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách tham quan?

Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là điểm tham quan hấp dẫn với du khách. Ảnh: Anh Tuấn


Trong vai trò khách tham quan, phóng viên Báo Hànộimới ít nhiều nhận thấy những điều bất cập đang tồn tại ở “trường đại học” đầu tiên của Việt Nam. Đó là việc khu nội tự (khu Văn Miếu) và khu ngoại tự (hồ Văn, vườn Giám) gần như tách biệt nhau. Đa phần du khách đến di tích chỉ tham quan, tìm hiểu khu nội tự, khu ngoại tự rất hiếm khách. Hằng năm, hồ Văn và vườn Giám chỉ nhộn nhịp vào dịp Tết Nguyên đán với hội chữ Xuân, triển lãm thư pháp và một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian. Đáng nói hơn, lượng khách ra, vào di tích rất đông, ai vào cũng muốn tìm hiểu kỹ, muốn ghi lại hình ảnh khiến cho di tích rơi vào tình trạng quá tải, lộn xộn trong những ngày cao điểm. Hệ thống bảng chỉ dẫn, thuyết minh chưa thực sự hợp lý nên chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng. Anh Nguyễn Văn Hoàng, đến từ xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết: “Tìm hiểu qua tư liệu lịch sử, tôi được biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục, kiến trúc… khó có thể kể hết. Trực tiếp tham quan, tôi thấy những giá trị nổi bật ấy chưa được giới thiệu đầy đủ. Khách tham quan cũng khó có thể tự tìm hiểu vì không phải đoàn nào cũng có hướng dẫn viên, không phải ai cũng biết chữ Hán”.

Quan sát kỹ hơn, không ít du khách phát hiện thấy công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội có dấu hiệu xuống cấp. Hàng rào bảo vệ 82 bia đá Tiến sĩ - di sản tư liệu thế giới, bảo vật quốc gia chưa phù hợp với cảnh quan, không gian cổ kính, tôn nghiêm. Một số cột ở nhà Bái Đường đã mục…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thừa nhận những vấn đề tồn tại kể trên. “82 bia đá Tiến sĩ bị tác động hằng ngày, hằng giờ. Kế hoạch tu bổ, tôn tạo Khuê Văn Các có từ những năm trước, đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Cùng với đó, hồ Văn mới trở thành hạng mục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những năm gần đây nên cần có thời gian để người dân hình thành thói quen ứng xử với hồ Văn góc độ di tích, chứ không phải là điểm sinh hoạt công cộng”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Bảo tồn, phát huy giá trị trên cơ sở khoa học

Có thể khẳng định, việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích - biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thách thức không nhỏ với các cơ quan quản lý. Bởi vậy, mọi việc liên quan đến di tích cũng được các cơ quan chức năng tiến hành cẩn trọng, chắc chắn.

Hiện tại, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã và đang phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để khắc phục những vấn đề tồn tại. Dự kiến, từ tháng 11 tới, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có hệ thống biển chỉ dẫn mới; khách vào tham quan di tích đi một đường, ra bằng một đường khác, tránh ùn tắc cục bộ. Năm 2017, hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ hiếm sẽ được lắp đặt ở nhiều vị trí. Trước mỗi nhà bia Tiến sĩ, dự kiến sẽ có màn hình tra cứu tự động đa ngôn ngữ, khách tham quan chỉ cần nhấn chuột, chọn mã số tương ứng với các tấm bia, mọi thông tin về bia Tiến sĩ đã được phân tích, giải nghĩa cụ thể sẽ hiện ra, giúp du khách thỏa sức tìm hiểu thông tin cần thiết.

Về việc kết nối khu nội tự với khu ngoại tự của di tích, ông Lê Xuân Kiêu cho rằng, nên có đường hầm nối từ cổng Văn Miếu xuyên qua đường Quốc Tử Giám sang khu vực Hồ Văn để bảo đảm cảnh quan, không gian di tích và không ảnh hưởng tới giao thông. Theo giới nghiên cứu văn hóa, Hồ Văn là nơi ngâm vịnh, bình thơ của các sĩ tử thời xưa. Trong điều kiện thiếu không gian sáng tạo, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật như hiện nay, ý tưởng cải tạo đảo Kim Châu, xây nhà bát giác, xây cầu nối đảo Kim Châu với bờ theo hình thức “văn kiều” làm nơi cho các văn nghệ sĩ họp mặt, thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật không phải không có lý.

Các hồ trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa được làm sạch bằng công nghệ hiện đại. Theo kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo Khuê Văn Các sẽ tiến hành trong năm 2017. Phương án bảo vệ, phát huy di sản tư liệu 82 bia đá Tiến sĩ đã và đang nghiên cứu, triển khai… “Những việc làm này thể hiện sự quan tâm của TP Hà Nội và các ngành chức năng đến di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, đến hệ thống di sản nói chung. Tuy nhiên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều hạng mục và còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nên không thể không có quy hoạch tổng thể định hướng cho công tác quản lý, bảo tồn. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, ông Lê Xuân Kiêu kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có quy hoạch tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.