(HNM) - Việc một số doanh nghiệp viễn thông xin được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp gần đây đã được các phương tiện truyền thông đề cập.
Liệu người tiêu dùng có được sử dụng những dịch vụ tốt nhất với giá rẻ khi nhiều doanh nghiệp viễn thông xin được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp? Ảnh: Hải Anh |
Theo số liệu điều tra toàn quốc về phát thanh - truyền hình năm 2010 do Bộ Thông tin - Truyền thông công bố năm 2011, cả nước có hơn 20 triệu hộ gia đình song mới có khoảng 4,5 triệu hộ được sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Như vậy, đây được coi là một thị trường tiềm năng cho các DN thuộc lĩnh vực này. Đến đây, câu hỏi đặt ra, vậy tại sao các DN kinh doanh truyền hình trả tiền không đẩy mạnh cung cấp dịch vụ để chiếm lĩnh thuê bao còn lại? Cũng xin nói thêm, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện có khoảng 40 DN đang cung cấp dịch vụ và thị phần chủ yếu thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và đơn vị liên doanh với VTV như SCTV, K+ (ước khoảng 3 triệu thuê bao); số thuê bao còn lại thuộc các đơn vị: Truyền hình Hà Nội; Truyền hình TP Hồ Chí Minh, VTC, AVG… Có thể thấy, hầu hết người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… đến nay vẫn chưa được sử dụng dịch vụ truyền hình cáp vì để cung cấp dịch vụ, "nhà đài" phải xây dựng được mạng cáp phủ tới làng xã và đây là chuyện không đơn giản. Thực tế, người dân nông thôn vẫn có thể xem truyền hình trả tiền, ví dụ trước đây, nếu muốn xem kênh VTC thì người dân phải mua đầu thiết bị kỹ thuật số của VTC với giá vài triệu đồng/chiếc; nếu xem kênh của K+, cũng phải bỏ vài triệu đồng để mua thiết bị nhưng do dịch vụ này sử dụng công nghệ vệ tinh nên ít nhiều bị ảnh hưởng và chịu tác động của yếu tố thời tiết từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ… Vì thế, đa phần thuê bao dùng truyền hình trả tiền nói chung và truyền hình cáp nói riêng là ở các đô thị, thành phố lớn.
Với các DN viễn thông, mà tiêu biểu là VNPT, Viettel đều có trục cáp quang kéo dài từ Nam ra Bắc và đã có mạng cáp tới tận xã trong toàn quốc. Cùng xu hướng hội tụ về công nghệ có thể cung cấp đa dịch vụ trên cùng đường cáp, nên việc họ "nhảy" sang xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cũng là dễ hiểu. Như vậy, với lợi thế sẵn có từ hạ tầng, cộng với việc thị trường truyền hình trả tiền vẫn là mảnh đất "màu mỡ" với 15,5 triệu hộ chưa có kênh truyền hình trả tiền - chính là căn nguyên để các DN viễn thông xin tham gia!
Ngay từ khi các DN viễn thông xin gia nhập, Hiệp hội Truyền hình trả tiền và các đơn vị có liên quan về quyền lợi đã gửi công văn đến các cơ quan có trách nhiệm đề nghị không cấp phép cho DN viễn thông. Gần đây nhất, Hiệp hội Truyền hình trả tiền tiếp tục có kiến nghị không cấp phép cho DN viễn thông. Nguyên nhân khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp "ngăn cản" cũng không khó hiểu, vì đơn giản, DN viễn thông có thế mạnh về hạ tầng, lại sẵn kinh nghiệm từ kinh doanh viễn thông, nếu được cấp phép sẽ là mối đe dọa cho họ! Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nên cấp phép cho các DN như VNPT, Viettel cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhưng phải có cơ chế ràng buộc như phải cho các DN khác sử dụng chung hạ tầng, tránh tình trạng độc quyền truyền dẫn. Bởi các tập đoàn này vốn có thế mạnh về hạ tầng và việc cung cấp truyền hình cáp cũng nhằm tận dụng thế mạnh này, tránh lãng phí cho toàn xã hội.
Việc các DN viễn thông có được cấp phép cung cấp dịch vụ hay không sẽ do cơ quan quản lý nhà nước quyết định, tuy nhiên quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của thị trường mới là mục tiêu cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.