Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiến hành thảo luận trong phiên toàn thể tại hội trường, sáng 27-11. Góp ý vào dự thảo, các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ ràng chính sách đặc thù với cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Tổng mức chi không vượt 0,8 lần quỹ lương cơ bản
Điều 18 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chi thu nhập tăng thêm cho cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù; một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý.
Mức chi thực hiện theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Chính sách tương tự này hiện đang được áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 98/2023/QH15).
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, bảo đảm đời sống, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn về việc quy định nội dung này thành một chính sách để áp dụng ổn định, lâu dài. Bởi Nghị quyết số 27-NQ/TƯ mới chỉ đặt vấn đề thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, chứ chưa được tổng kết, đánh giá.
Bên cạnh đó, theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII, việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2024. Do đó, ý kiến này đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ.
Thu nhập theo vị trí việc làm
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, để phù hợp với các chính sách cải cách tiền lương sắp được triển khai, tiêu đề của Điều 18 nên lược bỏ “tiền lương”, chỉ đề là “chế độ thu nhập” của cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm lương và các thu nhập khác phù hợp với chính sách cải cách tiền lương của Trung ương).
Theo đại biểu, dự thảo mới chỉ đề cập việc chi thu nhập tăng thêm mà chưa bao gồm các nội dung cần thiết khác, vì vậy cần rà soát, bổ sung. Cụ thể, nên thể hiện trực tiếp và rõ ràng nguyên tắc chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ thuộc bộ máy chính quyền Thủ đô trong Luật Thủ đô để có thể bắt nhịp kịp thời với thực tiễn cải cách chế độ tiền lương trong thời gian tới.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Thu Đông, cần bổ sung quy định thể hiện tính phân hóa trong cơ chế trả thù lao, đặc biệt đối với các trường hợp thuộc diện thu hút nhân tài. Theo đó, việc chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được minh định theo ít nhất hai cơ chế. Cơ chế tuyển dụng thông thường cơ bản áp dụng theo chính sách cải cách tiền lương của Trung ương. Còn cơ chế tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài cần khẳng định cơ chế thu nhập theo thỏa thuận tương xứng với vị trí việc làm. Nếu có thể, nghiên cứu thêm cơ chế chi trả theo sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo, các sản phẩm có khả năng thương mại hóa hoặc sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Theo đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái), trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều cơ quan ngành dọc, bao gồm: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Hải quan… Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét, rà soát lại việc quy định một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương theo hướng cụ thể, chi tiết hơn.
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 18 của dự thảo Luật còn chung chung. Cụ thể như quy định “một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.
Theo đại biểu, nếu quy định như vậy, sẽ có số lượng công chức, viên chức rất lớn, chưa kể một số ngành nghề đã được hưởng phụ cấp, thu nhập tăng thêm do tính đặc thù, có thêm chính sách này nữa thì sẽ không phù hợp. Dự thảo Luật cần nêu cụ thể để có cơ sở thiết kế chế độ, chính sách mang tính khả thi hơn với từng ngành.
Góp ý về quy định này trong dự thảo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Thủ đô là đô thị đặc biệt nên tiêu chuẩn người tham gia HĐND phải cao hơn. Đồng thời, trao quyền cho HĐND nhưng cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND.
“Khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt. Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định tăng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp. Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội đề nghị, tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.