Khoa học - Công nghệ

“Cởi trói” để doanh nghiệp khoa học, công nghệ vươn tầm khu vực

Hương Ly thực hiện 14/01/2025 08:00

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những đổi mới mang tính đột phá sẽ giúp “cởi trói” cho các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, diễn ra ngày 13-1, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, với những đổi mới mang tính đột phá sẽ giúp “cởi trói” cho các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, từ đó có thể vươn lên phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho Thủ đô và đất nước.

- Là chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông cảm nhận như thế nào về những tư tưởng đổi mới của Bộ Chính trị và đặc biệt là quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 57-NQ/TƯ?

Cá nhân tôi đánh giá rất cao Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá sáng tạo, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết mang ý nghĩa thực thi và hành động.

Trước đây, chúng ta đã có nhiều nghị quyết tốt nhưng khi thực hiện lại khó đi vào cuộc sống. Lần này, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng ban.

nguyen-quan-.jpg
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam. Ảnh: Nguyên Anh

Tôi tin tưởng rằng, với những nội dung rất đổi mới, rất quyết liệt của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ có những bước phát triển mang tính đột phá, giúp đất nước ta đạt được mục tiêu năm 2045 là nước có thu nhập cao, có trình độ phát triển khoa học - công nghệ hàng đầu thế thế giới.

- Ngoài những giải pháp mạnh mẽ để đưa khoa học, công nghệ phát triển đã được Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, ông có thêm kiến nghị gì để Nghị quyết có thể sớm đi vào cuộc sống?

Đây là vấn đề mà những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ luôn đau đáu và đã nhiều lần đề xuất tại các hội thảo, hội nghị.

Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, hệ thống luật pháp được đồng bộ hoá để thực sự có tác dụng thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển. Hiện Luật Khoa học công nghệ đã đổi mới mạnh mẽ quy trình quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhưng lại bị “vướng” bởi một số luật khác rất lạc hậu và trì trệ. Đơn cử như Luật Viên chức hiện có quy định cấm viên chức khoa học, công nghệ thành lập và điều hành doanh nghiệp. Luật Ngân sách Nhà nước lại có quy định các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải chờ đợi 1-2 năm mới được cấp kinh phí... Tất cả những quy định bất cập này cần được nhanh chóng sửa đổi thì Nghị quyết số 57-NQ/TƯ mới có thể sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

- Ông đánh giá thế nào về những kết quả mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ và thực hiện chuyển đổi số?

Thủ đô Hà Nội luôn là nơi quy tụ lực lượng làm khoa học, công nghệ hùng hậu nhất trên cả nước với những cán bộ có trình độ cao, cũng như nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội có thể chủ động trong việc vận dụng những cơ chế, chính sách rất thông thoáng cho sự phát triển của thành phố nói chung cũng như trong lĩnh vực khoa học, công nghệ nói riêng.

Về thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi đánh giá rất cao thành phố Hà Nội trong những năm qua đã thực hiện công tác này rất hiệu quả. Năm qua, Hà Nội cũng là thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo của địa phương. Nhiệm vụ của Hà Nội chính là việc làm sao giữ vững danh hiệu lá cờ đầu về đổi mới sáng tạo, trong đó, chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Tôi mong muốn doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc đưa công nghệ số, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản lượng và giá trị gia tăng, qua đó, đóng góp thêm nhiều ngân sách cho Thủ đô và đất nước.

- Trong tiến trình đổi mới sáng tạo của Thủ đô và đất nước, Hội Tự động hóa và các thành viên chuẩn bị những gì để cùng Thủ đô và đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thưa ông?

Hội Tự động hóa đã có 30 năm xây dựng và phát triển, là nơi tập hợp các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tự động hóa. Các hội viên của Hội cũng là những doanh nghiệp có trình độ tự động hóa tương đối phát triển. Có những doanh nghiệp trong Hội đã dùng tới 20% lợi nhuận sau thuế để đầu tư phát triển và nghiên cứu công nghệ mới, qua đó đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 10-15% liên tục trong nhiều năm.

Chúng tôi tin tưởng, kỳ vọng, các doanh nghiệp trong Hội Tự động hóa sẽ tiếp tục vươn lên, trở thành doanh nghiệp dẫn dắt trong hệ thống doanh nghiệp sản xuất, có trình độ tự động hóa và công nghệ cao. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Việt Nam có những doanh nghiệp công nghệ lọt vào top 5 và top 10 khu vực ASEAN.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cởi trói” để doanh nghiệp khoa học, công nghệ vươn tầm khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.