Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước đang đứng trước cơ hội lớn trong việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Đặc biệt, với Luật Thủ đô năm 2024 và Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành, Hà Nội có thêm những điều kiện thuận lợi và cơ sở vững chắc để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Luồng gió mới, soi rõ con đường vươn lên
Chưa bao giờ cơ hội để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội lại “nóng” như hiện nay. Luật Thủ đô năm 2024 và Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành như luồng gió mới, soi rõ con đường vươn lên phía trước của Thủ đô và đất nước. Trước đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Trong 2 năm liên tiếp (2023 và 2024), Hà Nội là địa phương đứng đầu bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tuy nhiên, Thủ đô cũng đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là phải thoát được bẫy thu nhập trung bình, phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ, nhất là các nền tảng công nghệ số đã làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động khoa học và công nghệ trong bối cảnh kinh tế số và chính quyền số đang hình thành. Trong khi đó, sự chậm đổi mới tư duy và thiếu cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô, cũng như chưa đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ là những rào cản để Hà Nội đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Mạnh dạn khai phá ý tưởng, cách làm mới
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ra đời là điều kiện đặc biệt thuận lợi để các quy định mang tính đổi mới trong Luật Thủ đô năm 2024 đem lại hiệu quả thiết thực hơn.
Luật Thủ đô năm 2024 cho phép các tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố được trao quyền tự chủ, được tự quyết định nhiều hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách thành phố khi đáp ứng đủ điều kiện về năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô...
Ngoài ra, Luật cũng cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ…
“Các nội dung này đều thống nhất, bám sát các quan điểm, định hướng lớn trong Nghị quyết 57-NQ/TƯ như: Việt Nam phải có mặt trong tốp đầu khu vực và quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ cao; tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mạnh dạn thí điểm những phương thức mới, cách làm mới; xây dựng thể chế thông thoáng và kịp thời để sự nghiệp khoa học công nghệ của quốc gia tiến nhanh, tiến mạnh”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chỉ rõ.
Theo Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, với vị trí địa lý đặc biệt, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước. Các nghị quyết, chính sách lớn đều có ảnh hưởng và liên quan đến Thủ đô như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ nhằm tạo đột phá, phát huy hết nội lực đang có của Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội có tiềm lực khoa học và công nghệ đứng đầu cả nước, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp sẽ phát huy được năng lực sáng tạo, thương mại hóa thành công các sản phẩm công nghệ mới, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng và hiệu quả cao cho phát triển kinh tế của Thủ đô.
Hy vọng Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống sớm phát huy giá trị sẽ làm thay đổi diện mạo của hoạt động khoa học và công nghệ Thủ đô, đem lại kết quả tốt đẹp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong kỷ nguyên số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.