(HNM) - Tại Hà Nội, nhiều công trình xây dựng chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, quá trình thi công phát sinh bụi, bẩn... gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới giao thông và đời sống dân sinh.
Xe tải chở vật liệu xây dựng không che chắn cẩn thận làm rơi vãi ra đường. (ảnh chụp tại đường Đỗ Đức Dục). |
Chất lượng không khí suy giảm
Qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội như: Phạm Hùng, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Trãi, quốc lộ 32, Phạm Ngọc Thạch và các tuyến đường vành đai đang có nhiều công trình xây dựng thi công nên đường phố thường xuyên hứng chịu bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và đời sống người dân khu vực.
Sáng 14-10, có mặt tại phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) - là tuyến phố dài hơn 700m đang triển khai mở rộng đường - theo quan sát của phóng viên, nhiều đoạn còn ngổn ngang đất cát, phế thải, trong khi lưu lượng phương tiện giao thông trên đường khá đông nên đường phố lúc nào cũng mờ ảo do bụi.
Ông Trần Văn Thái - người đang làm việc tại chung cư B4, trên đường Phạm Ngọc Thạch, cho biết: "Đoạn trước chung cư, nơi chúng tôi làm việc đã được thảm nhựa vào tối 13-10. Tuy nhiên hiện vẫn còn lượng lớn đất, cát, phế thải đơn vị thi công chuyển lên vỉa hè, chạy dài khoảng 50m, đến nay chưa được dọn dẹp. Tiết trời hanh khô, mỗi khi có luồng gió hoặc xe khách chạy qua là cát bụi bốc lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc kinh doanh của người dân và mất mỹ quan đô thị".
Trên tuyến đường Phạm Hùng và Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm), theo quan sát, hiện có hàng chục công trình xây dựng đang thi công. Vì vậy, khu vực này luôn có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng, chất thải ra - vào các công trình. Trong đó có không ít xe tải che chắn sơ sài, đất cát rơi vãi bừa bãi khiến mặt đường nhiều chỗ như được phủ lớp thảm bằng... bụi.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2018 tới nay, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) đã lập 2 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Đoàn đã kiểm tra 84 dự án xây dựng, kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều công trình chưa bảo đảm các tiêu chí về môi trường.
Đơn cử, trong tháng 8-2018, tại “Dự án Bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian Điện Kính Thiên” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long làm chủ đầu tư, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 đã phát hiện nhiều thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường. Đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng thi công để khắc phục.
“Đây là công trình ở vị trí trung tâm Thủ đô, nếu không thực hiện nghiêm quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và hình ảnh của thành phố” - Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 Lê Hữu Chiến nhấn mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm trong các tháng cuối năm có nguyên nhân chủ yếu do nồng độ bụi mịn vượt quá giới hạn. Thực tế, bụi phát sinh phần lớn do các công trình xây dựng chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường. Trong khi các máy quét rác hiện đại có chức năng hút bụi hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi chạy chiếu lệ thì thời tiết lại bắt đầu mùa hanh khô - cũng là lúc "vào mùa" của các công trình xây dựng - nên nguy cơ ô nhiễm không khí do bụi phát tán mạnh...
Đâu là giải pháp?
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi công trình xây dựng phát sinh ô nhiễm theo cách riêng: Các công trình xây dựng hạ tầng thường gây tiếng ồn và vương vãi đất, bụi bẩn; với các công trình kiến trúc thì thiếu rào che chắn, vật liệu tập kết không đúng nơi quy định, chưa bố trí điểm rửa xe trước khi ra - vào công trình (hoặc có nhưng chưa bảo đảm)...
Phố Phạm Ngọc Thạch đang được mở rộng, nhưng đơn vị thi công chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. |
Hiện nay, có nhiều văn bản pháp lý liên quan quy định khá chi tiết việc xử lý vi phạm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, để thực hiện triệt để, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các sở, ngành và chính quyền địa phương. “Với chức năng được giao, Thanh tra Sở Xây dựng chỉ có thể kiểm tra công tác vệ sinh môi trường của công trình “phía trong hàng rào”; phía ngoài công trình thuộc chức năng kiểm tra của thanh tra giao thông, cảnh sát môi trường... nên sự phối hợp từ các phía là rất cần thiết” - ông Lê Hữu Chiến kiến nghị.
Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy rất rõ, nhiều đơn vị thi công khi triển khai xây dựng công trình còn rất thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường. Do vậy, để giảm ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường đã được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định.
Đối với nhà thầu thi công, lực lượng chức năng phải giám sát chặt chẽ việc thi công theo nguyên tắc "làm gọn, dọn sạch" - không để vật liệu xây dựng, phế thải tràn ra và lưu cữu trên đường, hè... gây bụi. Cùng với tuân thủ chặt việc che chắn khu vực thi công, đặc biệt yêu cầu phải tuân thủ đúng quy định về rửa xe trước khi ra - vào công trình cũng như bảo đảm phương tiện vận chuyển được che chắn kín, không làm rơi vãi phế thải, đất, bụi...
Có như vậy, mới có thể góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.