(HNM) - Từ đầu năm đến nay, khu vực Nam bộ đã ghi nhận bốn trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.
Ngay sau cái chết của 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại TP Hồ Chí Minh (Báo Hànộimới đã phản ánh), Hội Y học TP Hồ Chí Minh và Hội Y học dự phòng TP phối hợp tổ chức hội thảo "Phòng chống cúm". Tại đây, ông Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho hay, bệnh cúm có nguy cơ cao vào những tháng đầu mùa mưa. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (BVNĐ) Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm, tại phòng khám của BVNĐ, kết quả lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, có từ 10% đến 30% người mắc các bệnh hô hấp, ho, sổ mũi nhiễm cúm A/H1N1 và đây là một trong những nguyên nhân làm lây lan bệnh cúm trong cộng đồng hiện nay.
Kiểm tra sức khỏe kịp thời là điều rất cần thiết để phòng chống dịch bệnh. |
Theo các chuyên gia y tế, cúm A/H1N1 sau khi gây đại dịch trên thế giới vào năm 2009-2010 đã được xem như một dạng cúm mùa, thường xảy ra hằng năm vào mùa lạnh. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành do vi rút phát tán khi nói chuyện, ho, hắt hơi... Đối tượng nguy cơ dễ xảy ra biến chứng là những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt trên 38 độ C, đau nhức toàn thân, có biểu hiện bệnh về đường hô hấp như đau họng, hắt hơi, chảy nước mũi, ho, khó thở. Một số bệnh nhân có thể bị biến chứng như viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Điển hình là trường hợp ông Lý Kim Sến (sinh năm 1952, ngụ tại xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) trước lúc tử vong được chẩn đoán là viêm phổi nặng, có biến chứng suy hô hấp và trụy tim mạch. Hoặc trường hợp của sản phụ sinh năm 1989 (quê ở Kon Tum, làm việc tại quận 9) tử vong do nhiễm cúm cũng bị sốt, ho. Bệnh nhân Nguyễn Xuân Thiện (sinh năm 1964, ngụ tại quận 3) tử vong, cũng có triệu chứng sốt, kèm theo tiêu chảy, sau đó suy hô hấp nặng.
Bác sĩ Hoàng Lan Phương, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết các trường hợp tử vong nêu trên tại TP đều là bệnh nhân lớn tuổi, mang thai... - những người kháng thể yếu. Vì thế, người dân cần quan tâm đến dấu hiệu cảm cúm, khi có bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh việc tự ý mua thuốc về uống và không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Lan Phương cũng lưu ý người dân không nên quá hoảng hốt với bệnh cúm A/H1N1 vì bệnh có nhiều người mắc nhưng tỷ lệ diễn biến nặng, suy hô hấp lại không cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng, chống các bệnh cảm sốt, cúm mùa. Trước tiên, người dân cần ăn uống, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và nghỉ ngơi điều độ, hợp lý; dùng khẩu trang y tế nhằm phòng tránh mầm bệnh xâm nhập, đặc biệt là cần vệ sinh mũi sạch sẽ, rửa sạch bàn tay trước khi ăn và chăm sóc người khác... Nếu thấy thân nhiệt nóng sốt trên 38 độ C, ho nhiều, khó thở, nên đến các cơ sở y tế khám để điều trị kịp thời. Khi người có triệu chứng nghi ngờ cúm phải tự cách ly, không nên đến nơi tụ tập đông người, trường học, cơ quan. Ngoài ra, mọi người cần chủ động tiêm phòng bệnh cúm, giúp làm giảm 90% nguy cơ nhiễm bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.