(HNMO) -Ngày 8-11, trước thềm phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trao đổi với báo chí một số vấn đề liên quan đến tố cáo chống tham nhũng.
- Trước thực trạng tham nhũng thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức muốn tố cáo hành vi này nhưng lại sợ liên lụy. Điều này đã khiến công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo ông, thực tế này bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
- Trên thực tế, chúng ta chưa đủ cơ sở về mặt luật pháp cũng như thực tiễn để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Vì thế, nhiều người còn lo ngại, chưa yên tâm tố cáo tham nhũng mặc dù có thể người ta biết rõ việc ấy. Trong Luật Phòng chống tham nhũng, theo tôi cả hai vế: tố cáo và vu cáo đều phải được đặt quan trọng như nhau. Hành vi tham nhũng nếu bị điều tra, xét xử là vi phạm rất nghiêm trọng. Cho nên, bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo thì cũng cần phải có điều khoản ngăn ngừa, xử lý người vu cáo. Nếu mình chỉ nói cái này mà không nói cái kia là lệch lạc. Vì thế, trong dự thảo luật phải làm sao tìm ra được cơ chế thực sự có hiệu lực, làm cho người tố cáo hoàn toàn yên tâm trước pháp luật. Đấy mới chỉ là một kênh thôi, còn từ tố cáo sẽ phải điều tra, đánh giá… nhưng phải khẳng định, tố cáo là một trong những việc rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
- Người tiếp nhận đơn thư tố cáo tham nhũng thường giữ chức vụ quyền hạn cao khiến người tố cáo cảm thấy lo sợ mình sẽ bị trù dập hoặc lo ngại thông tin bị giấu đi. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Thông thường, nếu suy nghĩ một cách trực tiếp thì lợi thế đôi khi không thuộc về người tố cáo. Nguyên nhân là do người bị tố cáo với quyền lực và những mối quan hệ xã hội, người ta có nhiều khả năng ngăn chặn người tố cáo phanh phui sai phạm. Nhưng tôi vẫn phải nói lại, đã là luật thì phải ngăn chặn bất cứ hành vi nào có tính chất lợi dụng pháp luật. Một khi mình dễ dãi trong khuyến khích tố cáo tham nhũng mà không có điều khoản xử lý người cố tình lợi dụng luật thì cũng rất nhiều người có khả năng bị oan. Đó chính là nhiệm vụ của các nhà lập pháp.
- Có ý kiến cho rằng, cần có quy định: người tiếp nhận tố cáo phải ở cấp cao hơn người bị tố cáo và nên thành lập ủy ban độc lập chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả của công tác này. Xin ông cho biết ý kiến của mình?
- Theo tôi, việc tiếp nhận, xử lý tố cáo không phải là công việc của một người mà là nhiều cơ quan cùng phối hợp mới làm được. Cho nên, việc này không thể nói là một người nào đó có thể thẩm định, đánh giá, kết luận việc tố cáo.
Việc thành lập ủy ban độc lập chống tham nhũng là một trong những ý kiến mà trong quá trình thảo luận đã được nhiều ĐBQH đưa ra. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu là một cơ quan độc lập thì rất khó. Chúng ta đang có một bộ máy đồng bộ, nhiều cơ quan cùng phối hợp mà làm còn khó nữa là độc lập.
- Xin cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.