Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của thanh tra các cấp

Tiến Thành| 17/08/2022 15:48

(HNMO) - Chiều 17-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

UBND cấp tỉnh quyết định lập thanh tra cấp sở

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản).

Trong đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ Thanh tra cấp huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Để phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thanh tra bộ với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định theo hướng ở những lĩnh vực có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ thì hoạt động thanh tra chuyên ngành cơ bản sẽ do Thanh tra Tổng cục, Cục thực hiện; Thanh tra bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó trong 3 trường hợp: Vụ việc cần thanh tra có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ; thanh tra lại theo yêu cầu của bộ trưởng đối với vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Cục khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; khi bộ trưởng thấy cần thiết giao Thanh tra bộ trực tiếp thanh tra để bảo đảm tính khách quan.

Về Thanh tra cấp sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng: Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý các quy định về xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm; nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra; công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Tiếp tục duy trì Thanh tra cấp huyện

Cơ bản tán thành dự thảo luật sau khi chỉnh lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề xuất tiếp tục duy trì cơ quan cấp huyện vì đây là cơ quan quan trọng, cần thiết phải tăng cường nhân sự cho thanh tra cấp này.

“Vì chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian qua nên Thanh tra cấp huyện chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh và đề nghị quy định các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất...

Đặt vấn đề có “khoảng trống” về quản lý nhà nước hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, như xây dựng là lĩnh vực quan trọng ở các địa phương nhưng chỉ có thanh tra cấp sở, còn cấp huyện thì lại không được giao chức năng, nhiệm vụ này. Từ đó ông Vũ Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu quy định nội dung này trong dự thảo luật, tránh trường hợp tạo “khoảng trống” để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, đô thị trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát, làm rõ mối quan hệ, tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ giữa thanh tra các cấp với UBND, chủ tịch UBND các cấp và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong dự án luật này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng nhằm nâng cao tính chịu trách nhiệm, nhanh có kết luận, công bố kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, đồng chí Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề sắp tới sẽ sắp xếp, tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó sẽ có những thay đổi, chỉ còn cấp Cục. Do đó, cần xem xét đến vấn đề này trong quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ trong dự thảo luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Làm rõ một số vấn đề, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đơn vị đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho Thanh tra Chính phủ theo hướng tự kết luận gắn với tự chịu trách nhiệm đối với kết luận thanh tra để bảo đảm tính độc lập về chuyên môn của cơ quan thanh tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của thanh tra các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.