Hà Nội kết nối

Cân bằng phát triển với bảo tồn đô thị lịch sử trước tác động của đô thị hóa

Xuân Sơn 18/08/2023 - 16:59

Đây là quan điểm được các đại biểu thống nhất tại Hội thảo quốc tế “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị lịch sử trong bối cảnh mới” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 18-8.

a492.jpg
Một góc phố cổ Hội An.

Hội thảo do Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam chủ trì, thảo luận 6 vấn đề: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản trong tái tạo đô thị và quản lý đô thị, đô thị di sản và quy hoạch thông minh, thành phố di sản và cộng đồng, di sản và du lịch, quy hoạch bảo tồn và đào tạo. Ban tổ chức đã nhận được 160 bài tham luận từ các nhà quản lý và các chuyên gia Hội quy hoạch của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, hệ thống đô thị Việt Nam đã được hình thành lâu đời, theo 3 giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau: Thời kỳ cổ - trung đại (từ cuối thế kỷ XIX trở về trước), thời kỳ cận đại (1858-1945) và thời kỳ hiện đại từ năm 1945 đến nay. Tính lịch sử được thể hiện rõ nét trong cấu trúc, hình thái phát triển đô thị với các nếp cắt theo vùng tiềm năng di sản dễ nhận biết. Các đô thị cổ như Phố Hiến Hưng Yên, Hà Nội, Huế, Hội An là những minh chứng rõ nét nhất.

a494.jpg
Ô Quan Chưởng ở Hà Nội, cửa ô duy nhất của Thăng Long xưa còn tồn tại.

Đến cuối năm 2022, hệ thống đô thị nước ta đã có 888 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đạt gần 42% năm 2022. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 75% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực thì những biến đổi trong quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa, số hóa và cuộc cách mạng 4.0 luôn có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng được thiết lập giữa con người và môi trường sống, làm cho những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống có nguy cơ bị phai mờ.

Tính dân tộc, hiện đại trong văn hóa nói chung, trong kiến trúc - quy hoạch nói riêng đang là thử thách to lớn với mỗi quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển. Nhiều đô thị di sản của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức này.

a435.jpg
Chủ nhân một khu nhà cổ 200 năm tuổi tại Đà Nẵng đang tìm hướng bảo tồn phù hợp.

Ở góc độ địa phương điển hình, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ, bản thân các đô thị, trong đó có Đà Nẵng đã lưu giữ lịch sử, văn hóa và những giá trị cốt lõi của con người. Do đó, công tác quy hoạch phát triển đô thị luôn cần phải quan tâm tới việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản đô thị... để đảm bảo đô thị luôn giữ được "hồn cốt” của mình trong quá trình đô thị hóa, hội nhập và phát triển.

Cùng ý kiến, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Việt Nam cho rằng, nên xem xét khái niệm đô thị lịch sử - di sản. Ở đó, đô thị lịch sử được nhận diện khi có giá trị lịch sử văn hóa đô thị đặc sắc, có hệ thống di sản đô thị phong phú độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng, có cấu trúc đô thị được bảo tồn toàn vẹn tiếp nối hữu cơ qua các giai đoạn, có sự hài hòa giữa cảnh quan nhân tạo và thiên nhiên.

a113.jpg
Phố cổ Hội An đang nỗ lực tìm hướng vừa bảo tồn, vừa phát triển.

Lấy trường hợp của Hội An, ông Quảng cho biết, địa phương này đã gặp những vấn đề liên quan bảo tồn di sản đô thị, việc gia tăng dân số, hạ tầng giao thông quá tải, thiên tai, ô nhiễm môi trường… Do đó, cần thiết cân bằng việc phát triển đô thị và bảo tồn di sản.

Đánh giá hệ thống đường phố là không gian kết nối công cộng quan trọng cho sự phát triển bền vững của đô thị lịch sử qua thời gian nghiên cứu, nhóm chuyên gia gồm Thạc sĩ Ahyoung Chang và Giáo sư Myounggu Kang đến từ Đại học Seoul (Hàn Quốc) cho hay, một số quận như quận I của thành phố Hồ Chí Minh, Ba Đình của Hà Nội, Bukchon và Insadong ở Seoul, Đại Đồng ở Đài Bắc hay Chuo ở Osaka có tính kết nối đường phố cao, đáp ứng đủ tiêu chí về mật độ đường phố và mật độ giao lộ. Những quận này đều là khu vực trung tâm của các thành phố lớn và có nền tảng vững chắc để ưu tiên bảo tồn văn hóa và tạo ra một môi trường sống thuận lợi.

a491.jpg
Đà Nẵng là thành phố đang phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, một số khu vực khác, trong đó có quận Hải Châu ở Đà Nẵng chỉ đáp ứng được tiêu chí về mật độ giao lộ nhưng không đạt tiêu chí mật độ đường phố, nguyên do bởi kết nối các tuyến đường phố không đầy đủ và sự hiện diện của các ngõ cụt. Những địa phương khác là Hội An và Nha Trang được đánh giá không đáp ứng tối thiểu cả 2 tiêu chí nói trên.

Các chuyên gia quy hoạch đến từ Hàn Quốc đề xuất các địa phương nói trên nên tập trung tăng cường thiết kế đường phố, giảm thiểu ngõ cụt, hình thành không gian đi lại thân thiện cho người đi bộ và vấn đề này nên được xem xét trong các chiến lược quy hoạch đô thị để phục hồi, bảo tồn các đô thị lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng phát triển với bảo tồn đô thị lịch sử trước tác động của đô thị hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.