Đô thị

Thiết kế cảnh quan trên tuyến phố Lý Thường Kiệt: Bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc

Bảo Hân 24/07/2023 - 07:11

Tiếp tục cụ thể hóa các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong khu vực nội đô lịch sử, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).

viec-lap-thiet-ke-do-thi-ri.jpg
Việc lập thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt giúp định hướng bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc. Ảnh: viết thành

Đồ án thiết kế là cơ sở để cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị hiện hữu, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc, phù hợp với các đặc trưng về lịch sử, văn hóa, xã hội của khu vực lân cận.

Từ yêu cầu thực tế

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc triển khai các đồ án thiết kế đô thị chậm hơn thực tiễn gây ra hiện trạng phát triển manh mún, lộn xộn như hiện nay. Để khắc phục, Hà Nội đang nghiên cứu làm rõ đặc thù của kiến trúc từng khu phố, như khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố mới... để có giải pháp trong thiết kế đô thị, tạo sự thống nhất trong quản lý.

Phố Lý Thường Kiệt, dài khoảng 1,8km, lòng đường rộng khoảng 14m, nằm trong mạng lưới đường tạo thành ô “bàn cờ” với sự đa dạng về phong cách kiến trúc, hình khối và màu sắc. “Đây là một trong những tuyến phố lõi, thuộc ba trục Bắc - Nam của thành phố Hà Nội, nên có vai trò quan trọng, ấn định hình thái kiến trúc chính cho khu vực nội đô lịch sử và các khu phố kiến trúc Pháp. Việc lập thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra, phù hợp với các yêu cầu thực tế và phát triển trong tương lai”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh đánh giá.

Chính sự đa dạng về phong cách kiến trúc, hình khối và màu sắc cũng khiến hình thức và ngôn ngữ kiến trúc của các công trình trên toàn tuyến chưa có sự tính toán, thống nhất. Biên độ tầng cao các công trình trên tuyến chưa có nhịp điệu, sự biến chuyển không gian không có nguyên tắc. Cảnh quan trên toàn tuyến cũng chưa đồng bộ, một số khu vực có hiện trạng lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị… Là đơn vị được giao nhiệm vụ lập đồ án thiết kế, theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, đây là dịp để UBND quận đề xuất các giải pháp chỉnh trang đô thị hiện hữu, định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các công trình kiến trúc; đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí các điểm nhấn kiến trúc, không gian kiến trúc tạo bộ mặt đô thị trên toàn tuyến nhằm bảo đảm hài hòa với mặt bằng chung các khu vực lân cận, được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư.

Xác định rõ nguồn lực

Cùng với quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị đóng vai trò quan trọng, là công cụ để quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý cảnh quan, cấp phép công trình... trên mỗi tuyến phố. Do đó, ngoài tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội đang chỉ đạo việc nghiên cứu thiết kế đô thị cho nhiều tuyến phố khác như Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Kim Đồng... Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, về bản chất, đây là công cụ quản lý về mặt kiến trúc, cảnh quan của thành phố.

Với riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long thông tin thêm, việc xây dựng thiết kế đô thị là bước cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C nằm trong khu vực nội đô lịch sử, thuộc địa giới hành chính 11 phường của quận Hoàn Kiếm đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2021. Đây cũng là phân khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc được xây dựng chủ yếu vào thời kỳ Pháp thuộc, đồng thời là khu vực bảo tồn, cải tạo, hạn chế phát triển. Do đó, đồ án sẽ tập trung xây dựng các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo, tái thiết đô thị, không phá vỡ cấu trúc không gian kiến trúc tuyến phố Pháp cũ...

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu, đối với các tuyến phố đã ổn định chức năng trong khu vực trung tâm thành phố, nội dung đồ án cần phải xác định rõ các tiêu chí không gian đô thị hai bên, tầng cao xây dựng bình quân và cho từng công trình cụ thể, xác định khoảng lùi, màu sắc, hình thức kiến trúc công trình. Đặc biệt, cần đưa ra quy định cây xanh, địa hình, cốt cao độ và hạ tầng kỹ thuật... Như vậy, một đồ án thiết kế đô thị sẽ gồm rất nhiều nội dung chi tiết, cụ thể cần được nghiên cứu kỹ và đủ cơ sở về nguồn lực thực hiện thì mới thành công.

Từ những năm 2000, Hà Nội đã nghiên cứu thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... với nhịp điệu đô thị được tính toán hài hòa, hợp lý. Tuy nhiên, do công trình hai bên tuyến phố đa dạng hình thức sở hữu nên gây khó khăn trong xác định nguồn lực thực hiện, khiến các ý tưởng nghiên cứu không trở thành hiện thực.

Theo các chuyên gia, trong đồ án thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt lần này, quan trọng nhất là xác định rõ nguồn lực thực hiện. Trong đó, nếu chưa thể bố trí vốn để hoàn thành các tiêu chí theo nội dung đồ án thì có thể tập trung vào một số nội dung ưu tiên như việc khai thác, sử dụng hợp lý vỉa hè...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết kế cảnh quan trên tuyến phố Lý Thường Kiệt: Bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.