Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân bằng cán cân xuất-nhập khẩu: Tăng cường phát huy nội lực

Hồng Sơn| 04/01/2016 06:47

(HNM) - Sau 3 năm liên tục xuất siêu, năm 2015, Việt Nam đã quay lại tình trạng nhập siêu. Quan trọng hơn, hoạt động xuất - nhập khẩu cho thấy sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước; đồng thời là việc phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung nguyên - vật liệu.


Nhận diện tồn tại

Năm 2015 chứng kiến sự suy giảm về xuất khẩu, khiến kim ngạch tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là sự mất giá của dầu thô trên thị trường quốc tế, làm giảm thu từ xuất khẩu dầu thô. Sự ảm đạm trong hoạt động xuất khẩu còn thể hiện ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vì nhu cầu tiêu dùng tại hầu hết thị trường trầm lắng và không được giá. Trong khi đó, nền kinh tế đã hồi phục, kéo theo sự gia tăng hoạt động của phần lớn các ngành sản xuất, nên nhu cầu vật tư, nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất tăng hơn hẳn so với thời gian trước. Kết quả là kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 165 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước và cao hơn giá trị hàng hóa xuất khẩu; từ đó dẫn đến nhập siêu 3,2 tỷ USD khi kết thúc năm kế hoạch 2015.

Chủ động nguồn nguyên vật liệu sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu.


Theo các chuyên gia, nền kinh tế nhập siêu chưa đáng ngại nếu nhập siêu phản ánh sự ổn định hoặc đáp ứng yêu cầu chính đáng của nền kinh tế. Song, xét về khu vực thì các doanh nghiệp (DN) trong nước đã nhập siêu tới 20,3 tỷ USD, trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lại xuất siêu 17,1 tỷ USD. Thực tế này cho thấy sự yếu kém, chưa vươn lên được của khu vực kinh tế trong nước và phải nhờ vào sự chia sẻ, bù đắp của DN ĐTNN để bảo đảm cán cân xuất - nhập khẩu.

Xét về cơ cấu thị trường càng thấy rõ sự lo ngại khi Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu từ các đối tác truyền thống, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc để tận dụng giá bán phải chăng, cũng như sự tiện lợi về khoảng cách địa lý để tiết giảm chi phí vận chuyển. Đặc biệt, Việt Nam đã nhập siêu 32,3 tỷ USD giá trị hàng hóa trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, tăng 12,5% so với năm 2014. Sự gia tăng nhập siêu và phụ thuộc quá lớn vào thị trường này, gây bất lợi và mất tính chủ động về nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Điều này cũng trái ngược với chủ trương đa dạng hóa nguồn nhập khẩu của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Riêng đối với Nhật Bản, Việt Nam cũng nhập siêu khoảng 300 triệu USD sau nhiều năm xuất siêu. Việc nhập siêu có xu hướng gia tăng và có giá trị lớn khiến cho cán cân thương mại song phương ngày càng thiên lệch về phía đối tác, gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

Đến nay, DN nội mới chỉ đóng góp được 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, hoàn toàn khiêm tốn so với các DN ĐTNN, lại càng chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Đáng chú ý là việc gia tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng không được khuyến khích, gây "chảy máu" ngoại tệ; điển hình như ô tô, với lượng xe lên tới 125 nghìn chiếc, tổng giá trị 3 tỷ USD, tăng 87% so với năm trước.

Tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên - vật liệu

Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2016, yêu cầu đặt ra là DN xuất khẩu phải chủ động bám sát diễn biến trên thị trường quốc tế, trên cơ sở phát huy thế mạnh của một số mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện, thủy sản. DN cần nắm rõ quy định về thuế suất ưu đãi đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước đã ký, thực thi Hiệp định Thương mại tự do (FTA), để tận dụng tối đa quyền lợi được cắt, giảm thuế theo cam kết. Đây là điểm rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với DN xuất khẩu. Dự báo, kết quả xuất khẩu vào các thị trường giàu tiềm năng đã ký FTA với nước ta, như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN hoặc TPP có thể tăng mạnh trong năm 2016 cũng như tương lai gần. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm 5 tỷ USD so với khi chưa có các FTA.

Về nhập khẩu, Chính phủ sẽ kiểm soát, rà soát cơ cấu mặt hàng ngay từ đầu năm. Xác định ưu tiên nhập khẩu nguyên, phụ liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước; đặc biệt là nguyên liệu đầu vào để làm hàng xuất khẩu. Ngược lại, áp dụng biện pháp "mềm" để quản lý, giảm bớt giá trị nhập khẩu ô tô và một số mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.

Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tập trung nhập hàng từ các nước đã ký FTA với Việt Nam để tận dụng thuế suất thấp cũng như chất lượng cao, cũng là yêu cầu đặt ra đối với DN. Việc này giúp phòng tránh tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, dễ nảy sinh nguy cơ mất ổn định nếu có sự thay đổi đột ngột từ phía nguồn cung. Ngoài ra, về lâu dài cần chủ động khai thác các thị trường nhập khẩu thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất mới, từ các nước phát triển, có công nghệ hiện đại… Làm được như vậy sẽ lành mạnh hóa và cân đối hài hòa cán cân xuất - nhập khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng cán cân xuất-nhập khẩu: Tăng cường phát huy nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.