(HNM) - Ngày 9-10, tại Hà Nội, Bộ Công thương gặp gỡ báo chí, cung cấp thông tin về sự kiện kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, TPP không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả vấn đề mới như thương mại điện tử, dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp (DN) nhà nước... Tham gia TPP, trong điều kiện thuận lợi, ước tính GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2035.
Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm khoảng 68 tỷ USD vào năm 2035; riêng lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, ước tính cứ 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu gia tăng sẽ tạo ra 250.000 việc làm mới. Ngoài ra, dự báo các DN nước ngoài cũng sẽ tăng cường đầu tư vào các ngành dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Tương tự, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu, tự do hóa dịch vụ và đầu tư; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ... Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường có thể tác động bất lợi đến một số ngành như chăn nuôi (tập trung vào sản phẩm thịt lợn, gà), thép, ô tô và giấy… vốn là thế mạnh của một số thành viên khác.
Các DN nhỏ và vừa, kể cả DN nhà nước cũng đứng trước áp lực cải cách, tổ chức lại sản xuất để có thể cạnh tranh, tồn tại trong hoàn cảnh mới. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, các nước tham gia TPP sẽ hoàn tất việc rà soát văn kiện của Hiệp định, dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung, tiến tới ký kết Hiệp định trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, cần 18 đến 24 tháng để thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo quy định của pháp luật mỗi nước tham gia TPP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.