Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải tổ thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Minh Hà| 11/04/2017 06:51

(HNM) - Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại nước ta đang gây ra tâm lý lo lắng, làm giảm động lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu khoa học.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra xâm phạm sở hữu trí tuệ tại chi nhánh Công ty Miwon Việt Nam.


- Thưa ông, năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam hiện ở mức độ nào? Chúng ta có gặp khó khăn gì?

- Mặc dù đã đáp ứng được phần nào yêu cầu thực tế nhưng năng lực thực thi quyền SHTT của chúng ta hiện nay chưa thể nói là đã ở vào trình độ cao. Hiện đang có nhiều lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ này như cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan... Điều này dẫn đến một thực tế là nếu các cán bộ tham gia vào hệ thống này mà chưa được đào tạo một cách bài bản thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý các vấn đề nảy sinh. Mặt khác, hệ thống của chúng ta đôi khi không giữ được cán bộ ở một vị trí trong khoảng thời gian đủ dài. Sau mỗi lần thay đổi nhân sự, cán bộ mới thường mất rất nhiều thời gian để làm quen với công việc; khi giải quyết vụ việc, có người thậm chí không dám đưa ra quyết định.

- Vậy, theo ông chúng ta cần phải có giải pháp cụ thể gì để nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT?

- Đòi hỏi bức thiết hiện nay là phải cải tổ hệ thống thực thi quyền SHTT, đặc biệt là đẩy mạnh việc thực thi bằng biện pháp dân sự bởi chỉ bằng cách đó thì các vụ việc xâm hại quyền SHTT mới được giải quyết dứt điểm. Áp dụng các biện pháp dân sự thì mới có chế tài đủ mạnh để đưa ra các hình thức bồi thường thỏa đáng trong các vụ việc vi phạm quyền SHTT. Để làm được điều đó, điều quan trọng trước tiên là phải tăng cường bồi dưỡng nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên trách ở từng cấp.

Hiện nay, Cục SHTT đang thực hiện hàng loạt hoạt động về đào tạo, nâng cao nhận thức về quyền SHTT đối với giới nghiên cứu và cán bộ của nhiều cấp, nhiều ngành liên quan. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình hướng tới các trường đại học, giúp sinh viên hiểu được vai trò quan trọng của việc thực thi quyền SHTT. Chúng tôi mong rằng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho giới trẻ, để họ không sử dụng các sản phẩm vi phạm quyền SHTT.

- Cục SHTT hiện đang soạn thảo Chiến lược quốc gia về SHTT, ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu của chiến lược này?

- Chiến lược hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò và lợi ích của việc thực thi quyền SHTT; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý về SHTT; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhân lực cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Với những cơ chế, chính sách phục vụ cho việc vận hành hệ thống đã được đề xuất, chất lượng hoạt động xác lập quyền sẽ phải được cải thiện để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có được kết quả đăng ký sớm hơn, công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin và các tư liệu sở hữu công nghiệp. Làm được như vậy thì không những hoạt động nghiên cứu được phục vụ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa một số khâu trong hệ thống, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng được giảm tải.

- Liên quan tới vấn đề thương mại hóa sản phẩm và bảo hộ quyền SHTT, ông đánh giá như thế nào về mối liên hệ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu?

- Ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ý thức tạo lập, đăng ký và phát triển tài sản trí tuệ để bảo vệ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều chủ thể chưa quan tâm thích đáng tới hoạt động này, một số khác chỉ chú trọng vào việc sao chép sản phẩm của người khác nhằm thu lợi một cách nhanh chóng. Nếu không thay đổi điều đó thì chúng ta dễ rơi vào tình huống vi phạm quyền SHTT. Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do, các điều ước quốc tế về quyền SHTT nên yêu cầu về bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần phải được nâng cao. Doanh nghiệp nào không tuân thủ các quy định của Luật SHTT, vướng vào các tranh chấp về quyền SHTT thì sẽ có nguy cơ bị xử lý với những chế tài mạnh hơn.

Là cơ quan quản lý, chúng tôi đã và đang tìm mọi biện pháp để đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, những chính sách này có đi vào cuộc sống được hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực khác. Tự thân các nhà sáng tạo, những người nghiên cứu có sản phẩm cần phải biết kết nối với các doanh nghiệp nhằm tận dụng thế mạnh sản xuất, các yếu tố về quản lý sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để những sản phẩm đó thực sự có được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng thì cần phải áp dụng giải pháp kỹ thuật, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp tốt. Do đó, điều quan trọng không chỉ là sáng tạo ra tài sản trí tuệ để đăng ký, mà còn cần tạo ra tài sản trí tuệ có chất lượng cao, có khả năng đến được với người tiêu dùng và đem lại nguồn lợi về tài chính cho những nhà sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tổ thực thi quyền sở hữu trí tuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.