Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện Chỉ số PAPI ở thành phố Hà Nội: Tìm giải pháp khắc phục hạn chế

Hiền Thu| 07/05/2021 06:04

(HNM) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 41,63 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 11 bậc so với năm 2019 là thành quả rõ nét từ quyết tâm của thành phố để cải thiện chỉ số này thời gian qua. Từ kết quả đó, thành phố tiếp tục phân tích cụ thể từng chỉ số nội dung còn hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, phấn đấu tiếp tục nâng điểm Chỉ số PAPI trong năm 2021.

Thành phố Hà Nội phân tích cụ thể từng chỉ số nội dung còn hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục, phấn đấu tiếp tục nâng điểm Chỉ số PAPI trong năm 2021. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thành Nguyễn

Chỉ số PAPI tăng 11 bậc

Quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố Hà Nội thể hiện ở hàng loạt việc làm cụ thể, thiết thực. Có thể kể đến như Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 11-6-2020 về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2020”, hay triển khai chuyên đề “Giải pháp cải thiện nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội”... Qua đó, các cấp, ngành nắm vững nội dung và có cách triển khai phù hợp ở đơn vị, địa phương mình.

Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết, trong 8 chỉ số nội dung mà PAPI đo lường có tới 6 chỉ số nội dung vừa tăng về điểm số, vừa tăng về thứ hạng (gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường); có 2 chỉ số nội dung vừa giảm về điểm số, vừa giảm về thứ hạng (cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử).

Cụ thể, đối với chỉ số nội dung “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”, Hà Nội đạt 5,24/10 điểm, vươn lên thuộc nhóm 3 - nhóm có điểm số trung bình thấp (năm 2019 thuộc nhóm 4 - nhóm điểm số thấp nhất). Trong đó, nội dung thành phần “Công khai minh bạch danh sách hộ nghèo” và “Công khai minh bạch ngân sách xã, phường” tăng khá về điểm số. Ở chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, Hà Nội đạt 4,81/10 điểm, tăng từ nhóm 4 (năm 2019) lên nhóm 3 (năm 2020). Trong đó, ở cả 3 nội dung thành phần “Hiệu quả tương tác với chính quyền”, “Giải quyết khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân” và “Tiếp cận dịch vụ tư pháp” đều được người dân đánh giá tốt hơn năm 2019.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết: “Để kịp thời tiếp nhận thông tin và giải quyết các vấn đề ở địa bàn, chúng tôi coi trọng việc tương tác của người dân với chính quyền. Một trong những kênh đó là đường dây điện thoại luôn mở 24/24h”.

Theo Kế hoạch số 122/KH-UBND, thành phố đề ra mục tiêu “tăng ít nhất 5 bậc”. Như vậy, với 41,63 điểm đạt được trong năm 2020, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2019 là vượt mục tiêu đề ra.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

Tăng trách nhiệm để cải thiện từng chỉ số

Dù Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố Hà Nội tăng mạnh về thứ hạng (11 bậc), song về chỉ số tổng hợp chỉ tăng nhẹ (0,1%) và vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, để kịp thời khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 112/BC-UBND ngày 4-5-2021 phân tích kết quả Chỉ số PAPI năm 2020. Trong đó, cùng với việc nêu ưu điểm, hạn chế ở từng nội dung, thành phố cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện”.

Điển hình như ở chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” bị giảm điểm so với năm 2019, trong đó có 2/4 nội dung “Hạ tầng căn bản” và “Giáo dục tiểu học” bị đánh giá thấp. Thực tế cho thấy người dân chưa hài lòng về các vấn đề điện lưới, nước sạch, giao thông nội đô, xử lý rác thải, nước uống tại lớp học, công khai thu chi của nhà trường với phụ huynh… Báo cáo của UBND thành phố chỉ rõ rằng: Các nội dung này thuộc trách nhiệm chủ trì, tham mưu của các sở: Công Thương, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo. Trách nhiệm tổ chức thực hiện thuộc UBND cấp huyện, cấp xã nơi thực hiện khảo sát.

Cũng trong ngày 4-5, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1284/UBND-SNV về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 22-1-2021 về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội năm 2021. Đáng chú ý, công văn nêu rõ: Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tham mưu các chỉ số nội dung và nội dung thành phần bị giảm điểm (Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông - Vận tải, Văn phòng UBND thành phố) cần tập trung phân tích sâu về nguyên nhân và đề xuất các giải pháp quyết liệt, cụ thể nhằm cải thiện căn bản điểm số trong năm 2021. Cùng với đó, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường các kênh trao đổi thông tin, hình thức tương tác với nhân dân để tạo mối liên hệ, đồng thuận, tin tưởng vào các quyết sách của chính quyền.  

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, trên cơ sở phân tích nội dung nhiệm vụ, từ chỉ đạo của thành phố, huyện sẽ đối chiếu với địa phương mình để nhìn nhận xem cần khắc phục ở điểm nào và đề ra mục tiêu phấn đấu cải thiện.

Ở góc độ người dân, chị Đỗ Thị Thanh Hoa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) chia sẻ: “Khi chính quyền chủ động xây dựng các kênh tương tác với người dân thì sẽ giải quyết kịp thời vấn đề bức thiết, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công có chất lượng của người dân”.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện Chỉ số PAPI ở thành phố Hà Nội: Tìm giải pháp khắc phục hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.