(HNM) - Với quyết tâm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2021 và các năm tiếp theo, thời gian qua, từ thành phố đến cơ sở đã tập trung triển khai nhiều giải pháp. Qua đó, nhận thức về tầm quan trọng của Chỉ số PAPI đối với công tác cải cách hành chính được nâng lên, tạo tiền đề cho việc cải thiện, nâng cao chỉ số này của thành phố một cách thực chất, hiệu quả.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 41,63 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 11 bậc về thứ hạng so với năm 2019. Tuy nhiên, chỉ số tổng hợp chỉ tăng nhẹ (0,1%) và vẫn nằm trong nhóm các địa phương có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất.
Đáng chú ý, trong 8 chỉ số nội dung có 6 chỉ số vừa tăng về điểm số, vừa tăng về thứ hạng (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường); 2 chỉ số nội dung vừa giảm về điểm số, vừa giảm về thứ hạng (cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử).
Nguyên nhân chủ yếu là một số lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư trang thiết bị, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại bộ phận “một cửa”, các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số, trong đó có Chỉ số PAPI tại cơ sở.
Trước thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1284/UBND-SNV ngày 4-5-2021 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 22-1-2021 về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội năm 2021. Tiếp đó, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 4-8-2021 về cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Tháng 8-2021, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025...
Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện các kế hoạch nêu trên, trong tháng 9 và 10-2021, Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức 1 hội nghị trực tuyến (quy mô hơn 300 người) và 1 hội nghị trực tiếp (quy mô 50 người) bàn về các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2021.
Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Hoàng Thị Hồng Hải cho biết: “Qua nắm tình hình cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã dành sự quan tâm đối với Chỉ số PAPI. Điển hình là hội nghị trực tuyến “Giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh” diễn ra ngày 23-9-2021 thu hút đông đảo thành phần tham gia. Để tạo điều kiện cho mọi người theo dõi kỹ hơn, chúng tôi đã chia sẻ video nội dung hội nghị lên website của Sở Nội vụ”.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, ngay từ đầu năm 2021, Sở Xây dựng đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn thuộc tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI. Cùng với đó, Sở thực hiện phổ biến, quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Chỉ số PAPI, lồng ghép với công tác cải cách hành chính.
Phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 5 bậc
Trên bình diện chung, các địa phương của thành phố cũng tập trung cải thiện Chỉ số PAPI ở cấp mình. Trưởng phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Hoài Thu thông tin: “2021 là năm đầu tiên quận được lựa chọn là một trong những đơn vị để khảo sát Chỉ số PAPI (ở 2 phường Cầu Diễn và Mỹ Đình 1). Quận đã chủ động tuyên truyền tới người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PAPI; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các phường để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm khảo sát thực hiện điều tra, phỏng vấn người dân trên địa bàn. Nhìn chung, đợt khảo sát đã đạt được mục tiêu về số lượng mẫu điều tra, bảo đảm tiến độ, tính khách quan. Từ đây, quận đề ra giải pháp để nâng cao Chỉ số PAPI phù hợp”.
Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, năm 2021, các nội dung quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, được công khai, minh bạch, đặc biệt là nội dung thành phần “công khai, minh bạch về danh sách hộ nghèo”, nên được người dân đồng tình, ủng hộ. Bà Lê Thị Phượng (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Các vấn đề người dân quan tâm được công khai, minh bạch sẽ mang lại sự tin tưởng, hài lòng của người dân đối với các cấp chính quyền”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng, tính đến đầu tháng 11-2021, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố đã thực hiện 536 cuộc kiểm tra, tái kiểm tra, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến Chỉ số PAPI. Với mục đích cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu trung bình mỗi năm tăng ít nhất 5 bậc; đến năm 2025, thành phố đứng trong nhóm các địa phương đạt mức trung bình (nhóm 3)… Do đó, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra để giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định mặt làm được cũng như kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế, hướng tới việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI một cách thực chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.