(HNM) - Cứ vào cuối giờ chiều, lũ trẻ lại hò nhau ra tắm ở ao Trung Thanh (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì). Cư dân trong thôn cũng kéo về ao, người thì tắm, người thì ngồi trò chuyện trên những chiếc ghế đá kê xung quanh.
Ao Trung Thanh (Hữu Hòa - Thanh Trì). |
Cả khuôn viên rộng hơn 3.000m2 rộn rã tiếng cười. Không ai nghĩ rằng, nơi đây từng là một ao tù, chứa rác thải, bốc mùi xú uế. Tất cả đã thay đổi nhờ công sức và tiền của nhân dân đóng góp.
Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì Tưởng Văn Chúc kể lại, trong quá trình xây dựng nông thôn mới có hai tiêu chí đối với xã rất khó thực hiện là giao thông và môi trường. Toàn bộ 23 tuyến đường giao thông trục thôn dài gần 5km và 95 tuyến giao thông ngõ xóm dài gần 6km hầu hết là đường đất, nhỏ, hẹp, thường xuyên bị ngập úng khi mưa lớn. Trong khi đó, môi trường sống ở khu dân cư bị ô nhiễm nặng; hồ, ao trở thành nơi chứa rác thải, cỏ mọc um tùm, chưa kể còn bị một số hộ lấn chiếm đất.
Trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, muốn cải thiện môi trường sống cần huy động sức dân. Đảng ủy xã Hữu Hòa quyết định ban hành một nghị quyết chuyên đề về nâng cấp đường giao thông và cải tạo các ao, hồ. Ao Trung Thanh được chọn làm trước. Toàn bộ ý tưởng cũng là mong muốn của lãnh đạo xã, làm sao cho ao giữa làng không còn hôi thối, trở thành "hồ điều hòa" của cả thôn. Chủ trương này được phổ biến đến từng hộ dân thông qua 6 cuộc họp. "Quy mô cải tạo ao ra sao, cách làm thế nào, quan trọng hơn cần huy động mỗi hộ đóng góp bao nhiêu…
Bà Nguyễn Thị Khanh, thôn Cộng Hòa, xã Hữu Hòa: So với mặt bằng chung, thu nhập của chúng tôi ở mức trung bình, nhiều hộ còn khó khăn. Nhưng, vì cuộc sống của chính gia đình mình, chúng tôi không ngại đóng góp. Đường sạch đẹp hơn, môi trường sống trong lành hơn là điều ai cũng mong muốn. Thời gian tới, nếu xã có chủ trương cải tạo số ao hồ còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp. |
Tất cả do chính người dân bàn bạc và đi tới thống nhất" - Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa cho biết. Trong thời gian ngắn, các hộ dân tự nguyện đóng góp hơn 1 tỷ đồng để kè ao. Mỗi nhà còn cử người tham gia vớt rau, bèo, rác thải, làm sạch mặt ao. Toàn bộ đáy ao được đổ bê tông, nước bẩn cũng được hút, thay thế bằng 2.000m3 nước hợp vệ sinh. 40 cây xanh được trồng phủ kín quanh bờ ao kèm theo đó là 4 đèn cao áp đủ để chiếu sáng. Có hộ còn ủng hộ 30 triệu đồng mua cát vàng đổ xuống ao cho nước trong. "Ngày ao Trung Thanh được cải tạo xong, bà con vui lắm. Người già rủ nhau ra hóng mát. Nhiều nhà cho con em mình ra ao tắm, học bơi" - Chủ tịch UBND xã Tưởng Văn Chúc cho hay.
Sau thành công của việc cải tạo ao Trung Thanh, xã Hữu Hòa tiếp tục huy động các nguồn xã hội hóa để cải tạo hồ Quản Sen rộng 4.700m2. Trước đây có 4 hộ lấn chiếm gần 300m2 đất hồ nên nhân dân rất bức xúc, đề nghị xã yêu cầu các hộ phải tự giác tháo dỡ công trình, trả lại đất lấn chiếm. Kết quả, cả 4 hộ đã thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, do hồ bị ô nhiễm nặng nên xã phải huy động hội viên Hội Nông dân và các đoàn thể vớt, chuyên chở hàng trăm tấn bèo, rác thải để thi công. Quy trình cải tạo hồ Quản Sen được thực hiện tương tự như ao Trung Thanh. Song song với cải tạo hồ, xã mở rộng tuyến đường liên thôn từ 2m thành hơn 4m. Hồ cải tạo xong cũng là lúc đường đã được đổ bê tông. Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Văn Bạo ở thôn Cộng Hòa (sống cạnh hồ Quản Sen) nói: "Hằng ngày phải ngửi mùi hôi thối bốc lên từ hồ, nên khi xã kêu gọi, người ít, người nhiều, nhà nào cũng đóng góp công sức, tiền bạc để làm cho hồ sạch đẹp. Gia đình tôi còn bỏ ra 2 triệu đồng mua một bộ bàn ghế đá kê ở bờ hồ cho người dân có chỗ ngồi. Giờ đây, Quản Sen đã trở thành hồ điều hòa sinh thái của cả 3 thôn Trung Thanh, Cộng Hòa và Đại Khang. Đường cũng rộng hơn. Thật mà như mơ".
Bằng cách huy động sức dân, từ năm 2011 đến nay, xã Hữu Hòa đã thu được 80 tỷ đồng tiền xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới (trong đó, riêng hai đợt phát động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới thu được 421 triệu đồng). Nguồn này dùng xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đình Phú Diễn, chùa Thanh Oai, chùa Phú Diễn, chùa Hữu Từ; xây dựng các điểm vui chơi tại xóm Đại Khang; xây dựng 23 tuyến đường trục thôn và 95 tuyến đường ngõ xóm. Xã cũng đã nâng cấp tuyến đường liên xã, đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn Hữu Từ, Hữu Lê, Hữu Trung, xóm Trung Thanh, Xóm Chùa, Xóm Điếm và xã hội hóa đèn chiếu sáng nông thôn… Đến nay, xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Thực tiễn ở Hữu Hòa cho thấy, nếu biết cách huy động sức dân thì việc dù khó đến mấy cũng thành công. Đặc biệt, sự thành công càng được nhân lên nếu dân được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.