(HNM) - Ngày 24-7, tờ báo điện tử Al Bawaba có trụ sở tại Amman, Jordani đã chạy một tin gây sốc: Chỉ huy trưởng quân đội của lực lượng nổi dậy Libya, Abdel Fatah Younis đã bị ám sát...
Nhưng khi mọi chuyện thực hư còn chưa rõ thì 4 ngày sau, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) chính thức thông báo Tư lệnh của lực lượng nổi dậy Abdel Fatah Younis cùng hai cố vấn là Đại tá Muhammad Khamis và Nasir al-Madhkur vừa bị bắn chết tại Benghazi. Thi thể của họ cũng biến mất. Tuy nhiên, sau đó không lâu, người ta đã phát hiện 3 xác chết bị cháy đen. Nhà chức trách chưa xác nhận nhưng có thông tin cho rằng một người trong đó là Tư lệnh Younis.
Tư lệnh lực lượng nổi dậy Abdel Fatah Younis. |
Sự kiện Tướng Younis, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ của chính phủ Libya bị ám sát ngay trước khi đến dự cuộc triệu tập của phe đối lập để giải thích mối nghi ngờ rằng gia đình ông vẫn còn có mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi làm dấy lên lời đồn thổi viên tướng này đã bị chính phe đối lập Libya ra tay hạ sát. Ngay lập tức, NTC đã lên tiếng phủ nhận và cáo buộc chính phủ Libya là tác giả của âm mưu giết người diệt khẩu đẫm máu trong khi Tripoli kịch liệt bác bỏ và khẳng định lực lượng đối lập đã thủ tiêu Younis do tình nghi ông này là điệp viên hai mang. Cho đến giờ, câu hỏi ai đứng sau vụ thanh toán nhân vật có thân phận khá đặc biệt này vẫn còn là một ẩn số.
Abdel Fatah Younis đã từng là một trong những người thân tín gần gũi nhất của Tổng thống M.Gaddafi. Trung tướng 67 tuổi này là một trong những sĩ quan đã cùng nhà lãnh đạo Libya thực hiện cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ chế độ của Vua Idris năm 1969. Do đó, sau sự kiện đưa M.Gaddafi lên vị trí đứng đầu đất nước, viên sĩ quan này trở thành cố vấn thân cận nhất và được tin tưởng bậc nhất trong bộ máy chính quyền của nhà lãnh đạo Libya. Younis nhận trọng trách huấn luyện lực lượng đặc biệt và được bổ nhiệm là Bộ trưởng Nội vụ. Vì thế, khi phe nổi dậy thổi bùng làn sóng biểu tình chống chính phủ Libya từ thành trì Benghazi hồi tháng 2 năm nay, Trung tướng Younis, người sinh ra tại thành phố này đã trở thành lựa chọn hàng đầu của M.Gaddafi nhằm lãnh đạo lực lượng an ninh chống lại phe nổi dậy. Thế nhưng, điều không thể tưởng tượng đã xảy ra. Thay vì thực hiện nhiệm vụ được giao, khi vừa tới thành phố quê hương ở miền Đông, Younis tuyên bố rời khỏi hàng ngũ lãnh đạo chính phủ trung ương để gia nhập phe nổi dậy; đồng thời thuyết phục Lữ đoàn an ninh của Bộ Nội vụ ở Benghazi quay súng.
Đến tháng 3, Tướng Younis được giao quyền chỉ huy lực lượng nổi dậy Libya nhưng lại đụng độ khá gay gắt với một nhà lãnh đạo quân sự của phe nổi dậy là Khalifa Hefter, nguyên là tướng quân đội Libya, vừa trở về từ nước ngoài tham gia quân nổi dậy sau 20 năm sống lưu vong tại Mỹ. Hefter đã từ chức Chỉ huy trưởng vào cuối tháng 3 trong khi Younis được tuyên bố là Tổng Tham mưu trưởng Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya một tháng sau đó. Kể từ đó, sự thăng tiến của nhân vật này được xem là nguyên nhân gây chia rẽ trong nội bộ phe nổi dậy Libya. Nhiều thành viên lực lượng này cho rằng một nhân vật chủ chốt của chính quyền Gaddafi lại giữ vị trí Tư lệnh lực lượng chống đối là không hợp lý. Do vậy, dù ở ngôi cao nhất nhưng với một bộ phận phe nổi dậy, Younis không được xem là người có thể tin tưởng.
Được NTC vinh danh như một người hùng của cuộc cách mạng 17-2, thời điểm bắt đầu làn sóng chống chính phủ Libya nhưng lại bị coi là một kẻ tội đồ của chính quyền Tổng thống M.Gaddafi, cái chết của Tư lệnh Younis vẫn nằm trong bức màn bí mật. Điều đó cũng cho thấy đang có không ít bóng tối đằng sau cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.