(HNMO) - Nhiều người dân chưa quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh, tẩy giun. Điều đó được thể hiện ở việc có không ít trường hợp bị giun chui dạ dày, ống mật gây đau bụng dữ dội, tắc ruột... Vì vậy, tẩy giun là việc cần thiết.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới nên tình trạng nhiễm các loại giun ký sinh là rất phổ biến. Thực tế, rất nhiều loại giun ký sinh trên người và gây bệnh.
Một số loài giun phổ biến và có tỷ lệ nhiễm cao là: Giun đũa, giun tóc, giun móc và giun kim. Các biểu hiện chung khi bị nhiễm 4 loài giun này thông thường là gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, giảm hấp thụ dinh dưỡng. Trẻ em bị nhiễm nhiều giun dễ bị suy dinh dưỡng, còi cọc.
Ngoài ra, từng loài giun cụ thể sẽ gây ra những ảnh hưởng đặc thù. Chẳng hạn, với giun đũa, khi nhiễm số lượng lớn có thể gây ra xoắn ruột, tắc ruột. Khi giun chui vào đường mật gây viêm đường mật, túi mật, áp xe gan do bội nhiễm. Giun chui vào ruột thừa gây viêm ruột thừa cấp.
Tẩy giun định kỳ là rất cần thiết (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, để điều trị các bệnh giun cần phải được xét nghiệm chẩn đoán mức độ nhiễm giun và loại giun bị nhiễm, vì vậy, phải có sự thăm khám và chỉ định điều trị của bác sĩ để lựa chọn thuốc và liều lượng cho phù hợp.
Tuy nhiên, ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm giun cao có thể điều trị đồng loạt cho trẻ em 2-5 tuổi với một trong hai loại thuốc cơ bản là Mebendazole và Albendazole.
Với thuốc Mebendazole, không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai. Phụ nữ cho con bú cũng cần thận trọng, cần có sự chỉ định của bác sĩ, chỉ dùng khi thực sự cần thiết.
Về thuốc Albendazole, loại thuốc này không được dùng cho phụ nữ mang thai. Phụ nữ cho con bú cũng cần thận trọng và cần có sự chỉ định của bác sĩ.
“Thuốc tẩy giun có thể uống bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng không nên uống thuốc khi quá đói. Khi uống thuốc tẩy giun nên tẩy giun cho các thành viên trong gia đình cùng lúc nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo, nên tẩy định kỳ 6 tháng/lần”, bác sĩ Khổng Minh Tuấn đưa ra lời khuyên.
Để phòng chống nhiễm giun, biện pháp hiệu quả vệ sinh sạch sẽ. Chẳng hạn, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; lau dọn nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ thường xuyên với nước sát trùng; luôn ăn thức ăn đã nấu chín, nước đun sôi để nguội; hạn chế ăn rau sống; nếu cần, nên rửa rau kỹ lưỡng nhiều lần với nước rửa rau chuyên dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.