(HNM) - Bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan nhiều đến phong tục, tập quán ăn uống của người dân như: Ăn tiết canh sống, gỏi sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ... Vậy, làm thế nào để phòng tránh bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng?
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các loại ký sinh trùng phổ biến gây bệnh cho người truyền qua thực phẩm gồm: Lỵ a míp, giun tròn, giun móc, sán dây, sán lá. Các ký sinh trùng nhiễm vào thực phẩm, nước uống được đưa vào trong đường tiêu hóa của người ở dạng ký sinh trùng trưởng thành, trứng hoặc ấu trùng, rồi phát triển nhân lên, gây bệnh cho người. Bệnh lý xuất hiện do ký sinh trùng ký sinh chiếm chất dinh dưỡng của cơ thể người hoặc ký sinh lạc chỗ gây nên các hội chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng thiếu máu, hội chứng viêm dạ dày, ruột, viêm đại tràng và tổn thương các cơ quan, tổ chức trong cơ thể.
Ký sinh trùng rất nhạy cảm với điều kiện môi trường như nhiệt độ, ánh sáng. Ký sinh trùng sẽ bị tiêu diệt khi đun ở nhiệt độ trên 70 độ C. Do vậy, để phòng tránh bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần thực hiện “ăn chín, uống sôi”, đun nấu kỹ thực phẩm ở nhiệt độ từ trên 70 độ C trở lên, không ăn tiết canh, gỏi cá sống… Song song với đó, người dân cần bảo đảm vệ sinh để nguồn nước ăn, nước rửa không bị ô nhiễm ký sinh trùng; vệ sinh môi trường; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá; diệt ruồi, gián là những côn trùng chính gieo rắc mầm bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.