Sức khỏe

Báo động về nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng

Thu Trang 27/01/2024 - 06:44

Hiện nay, nhu cầu nuôi các loại thú cưng ngày càng phát triển và trở thành trào lưu, sở thích của nhiều người, nhiều gia đình.

Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, chính việc tiếp xúc quá gần gũi với thú cưng lại là nguyên nhân làm gia tăng bệnh nhân nhiễm giun đũa chó, mèo trong thời gian gần đây. Thậm chí, ký sinh trùng này có thể đi khắp cơ thể, trong đó nguy hiểm nhất là gây tổn thương ở não, gan, phổi và mắt.

vat-nuoi.jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm giun đũa chó, mèo tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương). Ảnh: Xuân Lộc

Mắc bệnh vì ngủ với thú cưng

Thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội hành hạ hơn 6 tháng, ông N.B.Đ (55 tuổi, ở Bắc Giang) đã đi khám chuyên khoa da liễu và uống thuốc theo đơn của bác sĩ với 3 đợt điều trị nhưng không khỏi. Sau đó, người đàn ông này lại đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec trong tình trạng xuất hiện nhiều nốt ban dạng sẩn đỏ rải rác toàn thân. Tại đây, bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc giun đũa chó, thể ấu trùng di chuyển nội tạng. Ông Đ chia sẻ, gia đình có nuôi chó nhiều năm nay. Do yêu thích động vật nên ông hay chơi và cho thú cưng ngủ cùng. Tuy nhiên, ông Đ không có thói quen tẩy giun định kỳ cho vật nuôi và thường xuyên làm vườn mà không sử dụng găng tay bảo hộ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngoại, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người, do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây ra. Khi trứng xâm nhập cơ thể người, chúng di chuyển đến ruột, sau đó thoát vỏ thành ấu trùng xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan, trong đó nguy hiểm nhất là gây tổn thương ở phổi, mắt, gan, não.

“Về con đường lây truyền, khi vật nuôi bị nhiễm giun đũa, sau khi ký sinh, trứng sẽ phát triển rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân. Đặc biệt, hậu môn của chó/mèo cũng là nơi có chứa trứng giun. Khi chúng liếm hậu môn sau đó liếm lên thân thể, vật dụng sinh hoạt đã phát tán trứng khắp mọi nơi. Thậm chí, người dân thường có thói quen chăm sóc, ôm, hôn vật nuôi hoặc không sử dụng các vật dụng bảo hộ cần thiết khi làm vườn cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngoại lý giải.

Tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm giun đũa chó, mèo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương) cho biết thêm, bệnh nhân đến khám chủ yếu với triệu chứng ban đầu là ngứa. Đa phần người dân nghĩ ngứa là đến khám tại chuyên khoa da liễu. Thậm chí, có người bị ngứa 5-10 năm điều trị không khỏi, nhưng khi đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương thì phát hiện ra nhiễm giun đũa chó, mèo.

Quá trình điều trị, có người đáp ứng nhanh, nhưng có người phải dùng 2-3 liệu trình mới khỏi. Khi nuôi thú cưng, nếu phân của chúng không được xử lý đúng sẽ làm cho giun đũa chó, mèo lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, lây nhiễm vào nước uống, đồ ăn, thậm chí có thể lây nhiễm qua đường hít thở.

“Đặc biệt, chó nhỏ nhiễm giun đũa rất nhiều. Mỗi ngày, thú cưng này có thể thải ra hàng nghìn trứng giun. Điều đáng lo ngại là, số lượng bệnh nhân nhiễm ấu trùng này đang gia tăng trong thời gian gần đây và dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được giun đũa chó, mèo mà phải thực hiện theo lộ trình cụ thể”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng lưu ý.

Để chung sống an toàn với vật nuôi

Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng, chơi, ôm ấp và ngủ cùng chúng… là nguy cơ rất lớn để bệnh giun đũa chó, mèo lây lan và phát triển. Trong năm 2023, tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương đã ghi nhận các trường hợp đến khám do nhiễm ký sinh trùng như: Giun, sán, ấu trùng giun đũa chó, mèo... tăng đột biến. Có thời điểm, mỗi ngày, viện tiếp nhận từ 300 đến 400 người đến khám; trong khi trước đó chỉ có trung bình gần 200 người/ngày. Điều đáng nói, nếu như trước, các ca nhiễm giun sán chủ yếu là các loại giun đũa, giun tóc, giun kim… thì hiện nay, bệnh nhân nhập viện chủ yếu là do nhiễm giun đũa chó, mèo.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, các bệnh nhân đến khám do nhiễm ký sinh trùng, có thời điểm đến 70% bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo. Khi nhiễm ấu trùng này, tùy vị trí khác nhau mà biểu hiện khác nhau, trong đó có một số biểu hiện rõ rệt là ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban… do ấu trùng di chuyển dưới da. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau bụng, đau đầu, sốt, tổn thương da…

Từ đó, bác sĩ đưa ra khuyến cáo, nếu người dân thấy xuất hiện các biểu hiện như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, rối loạn giấc ngủ, thay đổi hành vi (thèm ăn, lo lắng, bất an...) nên lập tức đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh.

Để có thể chung sống an toàn với các loài vật nuôi, bác sĩ Nguyễn Thị Ngoại lưu ý, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Cụ thể là cần vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn. Chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Mặt khác, rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, bảo đảm ăn chín, uống sôi; vệ sinh sạch sẽ khu vui chơi của trẻ em.

Đặc biệt, không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo. Bởi vì đuôi và lông là khu vực dính rất nhiều chất thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động về nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.