(HNM) - Hà Nội đã xây dựng nhiều đề án, chính sách và dành kinh phí khá lớn hỗ trợ khâu sản xuất rau an toàn, nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân vì sao?
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn thành phố, trong những năm qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều đề án, chính sách và dành kinh phí khá lớn hỗ trợ khâu sản xuất, nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân vì sao?
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội là một trong những địa phương rất quan tâm, chú trọng phát triển sản xuất RAT. Hiện tại, thành phố đã quy hoạch được 5.000ha RAT, trong đó chỉ đạo và hướng dẫn trên 170ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 12ha rau hữu cơ. Hà Nội cũng vừa tăng thêm cho mỗi xã một cán bộ BVTV để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát, cấp tem nhãn cho các vùng RAT đã được quy hoạch và phân rõ trách nhiệm cho từng cán bộ cấp cơ sở… Tuy nhiên, thành phố hiện chưa có chuỗi tiêu thụ RAT nào được trọn vẹn, có thương hiệu đủ lớn thu hút khách hàng. Nhiều cán bộ, chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng, Hà Nội mới chỉ làm tốt khâu sản xuất, còn khâu tiêu thụ vẫn còn bỏ ngỏ, nên chưa tạo ra chuỗi RAT khép kín. Điều đó dẫn tới hệ lụy lâu dài: Người tiêu dùng mất niềm tin, hồ nghi RAT vì thế mà chưa có lời giải thỏa đáng cho mặt hàng này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp tiêu thụ RAT của Hà Nội vẫn sống lay lắt. Cả cửa hàng rau với hệ thống bảo quản tốt, máy lạnh, khối lượng tiêu thụ không hơn một sạp rau ngoài chợ. Toàn thành phố hiện mới có 4 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng RAT tập trung, có công suất từ 2 đến 5 tấn/ngày ở các xã: Văn Đức (Gia Lâm); Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì); Thanh Đa (Phúc Thọ). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 36 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp đang hoạt động, công suất trung bình từ 200 đến 1.000kg/cơ sở/ngày. Các cơ sở sơ chế RAT đều được quản lý chặt chẽ theo quy định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Qua rà soát, toàn thành phố hiện có hơn 80 cửa hàng bán RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 đến 120 kg/cửa hàng/ngày và khoảng 180 điểm bán của các siêu thị có kinh doanh RAT, sản lượng tiêu thụ từ 80 đến 200kg/siêu thị/ngày. Để sản xuất RAT theo chuỗi, ngành nông nghiệp Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành văn bản, quy định để kiểm soát các mặt hàng rau bình thường trên thị trường, bởi hiện chưa có chế tài xử lý khi có vi phạm. Đồng thời, sớm có quy định về rau hữu cơ, nhằm hỗ trợ người sản xuất làm căn cứ chứng minh khi hợp tác với cửa hàng, siêu thị.
Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ sẽ vào cuộc quyết liệt giúp Hà Nội làm thành công chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vấn đề cốt lõi hiện nay là làm sao để chứng minh với người tiêu dùng là sản phẩm RAT trên thị trường đã được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Giải quyết tốt bài toán về niềm tin, RAT Hà Nội sẽ có thị trường tốt. "Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chọn con đường đi từ sản xuất lên, nay phải thay đổi cách tiếp cận và chọn khâu thị trường phân phối, tiêu thụ làm trọng tâm để điều tiết các khâu còn lại" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được việc này phải có cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý. Trước mắt cần phải có một đề án tổng thể các vùng cung cấp RAT cho Hà Nội, sau đó sẽ xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý, giám sát, nhất là các chính sách hỗ trợ khâu tiêu thụ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giao Cục BVTV làm đơn vị chủ trì phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản nhanh chóng hoàn thiện Đề án tổng thể RAT cho Hà Nội, cần thiết mỗi tháng họp một lần để tháo gỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.