Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách mạng Tháng Tám và những bài học lịch sử giá trị

Ðình Nam| 15/08/2021 05:18

(HNNN) - Cách đây tròn 76 năm, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền để rồi vào ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và trong suốt 76 năm qua, Đảng ta đã luôn vận dụng, phát huy hiệu quả tinh thần, những bài học lịch sử ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, đưa đất nước vượt qua bao khó khăn, thách thức để giành những thành tựu cách mạng vô cùng to lớn.

Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức sẵn sàng lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Giành chính quyền về tay nhân dân

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước.

Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”. Hội nghị cũng quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, đề ra ba nguyên tắc bảo đảm Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. 23h ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.

Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh Tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Vận dụng, phát huy tinh thần, bài học từ Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Thành công đó còn đến từ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta. Đó còn là khả năng nhận định, đón nhận những yếu tố thuận lợi cho phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức của cộng đồng tiến bộ quốc tế...

Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa suốt 76 năm qua đã khẳng định tinh thần và những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám đã luôn được phát huy hiệu quả. Đảng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, với phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp. Đó là khả năng nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là khả năng tập hợp, tổ chức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế tạo nguồn lực vô cùng to lớn để đất nước giành những thắng lợi quan trọng, quyết định. Tất cả đã được minh chứng rõ nét trong Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Đại thắng mùa Xuân 1975; hay những thành tựu nổi bật thời kỳ đổi mới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao...

Khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay” thì đại dịch Covid-19 ập đến, diễn biến vô cùng phức tạp, khiến cả thế giới chao đảo. Trong bối cảnh đó, một lần nữa, với khả năng đánh giá đúng tình hình, “biết người, biết ta” và tổ chức lực lượng phối hợp đồng bộ, kiên quyết, Việt Nam nổi lên là quốc gia vừa chống dịch hiệu quả, việc duy trì phát triển kinh tế ổn định. Những biện pháp Việt Nam áp dụng chống dịch hiệu quả được cả thế giới học hỏi như bắt buộc sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội...

Thế nhưng, với biến chủng Delta, dịch Covid-19 đã, đang khiến cả thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam, gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn lực y tế chống dịch. Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam Bộ bùng phát dịch, đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn. Trong bối cảnh khó khăn đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần, ý chí rất cao. Không chỉ các chiến sĩ “áo xanh”, các chiến sĩ “áo trắng”, lực lượng dân phòng đã quên mình sẵn sàng, tình nguyện ra tuyến đầu. Chính phủ đã dành ưu tiên tối đa, huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Cả thế giới đang khan hiếm vắc xin, nhưng Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, viện trợ vắc xin của nhiều đối tác. Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp, người dân đã tích cực ủng hộ vật chất, tinh thần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tại nhiều khu, tổ dân phố, người dân tự nguyện ứng trực tại “chốt xanh” để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch.

Tinh thần cách mạng, yêu nước, thương nòi càng lúc càng lên cao trong thời gian vừa qua. Không chỉ thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, mỗi người dân, không ai bảo ai, đồng lòng “nhường cơm, sẻ áo”, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Hình ảnh các đoàn từ thiện hỗ trợ người khó khăn bữa cơm mùa dịch, hay từng đoàn người về quê tránh dịch đi đâu cũng nhận được sự hỗ trợ đã nói lên tất cả. Đó cũng chính là tinh thần lời kêu gọi chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “... Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả... Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh...”.

Với sự đồng lòng, chung sức, ý chí quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế, kiểm soát để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, làm cho cơ đồ đất nước ngày càng tươi sáng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng Tháng Tám và những bài học lịch sử giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.