(HNM) - Là người gắn bó với công việc nghiên cứu văn hóa dân tộc và bảo tàng dân tộc học trong suốt hơn 40 năm qua, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản
Học sinh tham quan các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Nhật Nam |
- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang là một trong những bảo tàng hấp dẫn, năng động nhất ở nước ta hiện nay. Theo ông, bảo tàng đã áp dụng những bài học gì để đạt được thành công đó?
- Có rất nhiều bài học, mà bài học đầu tiên là phải biết tôn trọng cộng đồng, chủ thể văn hóa, biết mời họ tham gia vào các hoạt động trình diễn của mình. Nhà nghiên cứu, người làm bảo tàng không phải chỉ diễn giải trưng bày, hoặc trình bày theo quan niệm của mình, mà dần phải đưa được tiếng nói của các chủ thể vào trưng bày hay các hoạt động khác ở bảo tàng. Các bài học về việc liên kết bảo tàng với cộng đồng, tổ chức biểu diễn, trình diễn văn nghệ dân gian, các nghề thủ công ở bảo tàng, xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng, mở rộng mạng lưới với hệ thống các bảo tàng trong khu vực và quốc tế... Đó là những cách làm không bao giờ cũ.
- Việc nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa thông qua tiểu sử, ký ức, tư liệu, hiện vật cá nhân của các nhà khoa học đang là việc làm ý nghĩa và cần thiết, nhưng chưa được thực hiện tốt. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Khi "đụng" vào di sản các nhà khoa học, tôi mới vỡ ra một điều: Hầu như các nhà khoa học chưa thực sự quan tâm và cũng không hiểu hết giá trị các di sản của mình. Cách nay 6 - 7 năm, khi các nghiên cứu viên của trung tâm đến gặp các nhà khoa học, bày tỏ mong muốn tập hợp, lưu giữ các di sản của họ để kể các câu chuyện về nhà khoa học ấy, họ vui lắm, tặng cho trung tâm các cuốn sách mà họ xuất bản và nghĩ thế là xong. Nhưng đó không phải là di sản theo nghĩa đầy đủ của nó, bởi sách xuất bản phải nộp lưu chiểu, vào thư viện là có hết. Di sản của các nhà khoa học chính là bút tích, sổ ghi chép, bản thảo "chữa lên chữa xuống" để làm nên cuốn sách đã xuất bản, cuốn nhật ký hay bức thư của họ gửi cho gia đình, đồng nghiệp…
- Tất cả những thứ đó đều mang dấu ấn của lịch sử…?
- Chúng ta có hàng vạn nhà khoa học, suốt 70 năm qua họ đã nỗ lực xây dựng nền khoa học Việt Nam đi lên gần như từ con số không. 70 năm qua, từng nhà khoa học, mỗi người đã xây từng viên gạch để góp phần hình thành, phát triển từng lĩnh vực của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật... Di sản của mỗi người mang dấu ấn cá nhân, nhưng qua cá nhân nhà khoa học ở từng lĩnh vực, chúng ta hiểu được bối cảnh và sự phát triển trong lĩnh vực ấy như thế nào. Khi chúng tôi tìm đến gia đình của các nhà khoa học đầu ngành thì tài liệu của họ đã mai một rất nhiều. Nhiều người đã qua đời, bản thảo, sổ tay, bút tích, thư từ được con cháu cất vào kho kiểu "bỏ thì thương vương thì tội". Cũng nhiều khi tôi đến thì các nhà khoa học nói rằng, họ vừa bán đồng nát. Đau xót lắm! Lọc trong cái "đồng nát" đó biết bao thông tin và di sản minh chứng cho lịch sử!
- Như thế, rất khó có thể tập hợp di sản của các nhà khoa học?
- Cũng có những nhà khoa học giữ gìn, chắt chiu tất cả những tư liệu nghiên cứu của mình, như GS. bác sĩ chuyên phẫu thuật chỉnh hình Nguyễn Văn Nhân. Ông đã chụp hàng nghìn phim gãy chân, gãy tay của thương binh ở các trường hợp khác nhau, nay tuổi cao không biết lưu trữ ở đâu, không biết giao cho ai. Khi thấy kết quả tôi thực hiện được ở Bảo tàng Dân tộc học, ông đã tin và giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Khi vị giáo sư trao cho chúng tôi, nước mắt ông đã chảy! Hàng nghìn tư liệu không chỉ về lịch sử y học mà còn về lịch sử của cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua của dân tộc ta.
- Nay, chắc hẳn việc bảo tồn di sản của các nhà khoa học đã thuận lợi hơn nhiều?
- Tuần rồi, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận khoảng 20.000 đầu tài liệu. GS Hà Minh Đức mới trao lại hàng chục cuốn sổ tay ghi chép cho trung tâm. Đó là những tài sản vô giá. Tháng trước, GS Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học) đã trao cho trung tâm một di sản vô cùng đặc biệt. Ông ngồi một mình, tự kể chuyện xây dựng ngành sử học như thế nào qua máy ghi âm với tổng thời lượng 150 giờ, kể tất cả những gì trong ký ức của một cụ ông 90 tuổi. Đó là một di sản tuyệt vời!
Tính đến nay, sau 6-7 năm hoạt động, trung tâm đã quản trị di sản của hơn 600 nhà khoa học. Riêng 6 tháng đầu năm nay, số tài liệu hiện vật là 110 nhà khoa học và 50.000 đầu tài liệu hiện vật.
- Chúng ta sẽ bảo tồn và phát huy giá trị những di sản vô giá này như thế nào, thưa ông?
- Một công viên - bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam sẽ được xây dựng. Theo quy hoạch đã được duyệt, công viên - bảo tàng đó có diện tích gần 30ha ở Cao Phong - Hòa Bình. Trong tương lai gần, di sản của các nhà khoa học sẽ được trưng bày tại bảo tàng này, giúp mỗi người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu về khoa học Việt Nam đã hình thành và phát triển thế nào trong 70 năm qua.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.