(HNMCT) - Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường. Vậy, làm thế nào để dự phòng đái tháo đường?
Việt Nam đang phải chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường. |
Số người mắc bệnh đái tháo đường ở mức báo động
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 thế giới có 425 triệu người bị bệnh đái tháo đường ở độ tuổi từ 20 - 79. Dự báo đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên gần 630 triệu người. Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện đang có 3,53 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong do các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường như tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt... Với mức tiêu tốn gần 800 triệu USD/năm cho điều trị căn bệnh này, đây là gánh nặng vô cùng to lớn cho gia đình và xã hội.
GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, bệnh đái tháo đường xuất hiện do rối loạn chuyển hóa đường trong máu, phổ biến nhất là type 1 và type 2 (chiếm khoảng 90%). Đái tháo đường type 1 chủ yếu gặp ở trẻ em hay còn gọi đái tháo đường phụ thuộc insulin kèm theo các triệu chứng rầm rộ như khát nước, tiểu nhiều và thường xuyên, đói nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân nhiều, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh... Còn đái tháo đường type 2 không phụ thuộc insulin, là bệnh mạn tính và diễn tiến suốt cuộc đời, trước đây thường gặp ở người trưởng thành (trên 40 tuổi). Thế nhưng, hiện nay đái tháo đường type 2 đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tại các bệnh viện đã ghi nhận những trường hợp trẻ mới 9 - 10 tuổi đã bị mắc đái tháo đường type 2. Nguyên nhân chủ yếu là do béo phì, chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động...
Nguy cơ tử vong cao
Hiện có tới 63% số người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và 70% số bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 chưa đạt mục tiêu điều trị. GS.TS Thái Hồng Quang lo ngại, cũng như các nước đang phát triển khác, do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên khi đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường rất lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng nặng như mù lòa, tổn thương thần kinh dẫn đến nhiễm trùng và phải cắt cụt chi. Chưa kể các bệnh lý tim mạch như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim đe dọa thường trực tính mạng bệnh nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mục tiêu đẩy lùi căn bệnh đái tháo đường, giảm tác động lên đời sống bệnh nhân đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn ngành Y tế. Vì vậy, mới đây, chương trình hợp tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh đái tháo đường (iSTEP-D Plus) và chương trình giáo dục bệnh nhân đái tháo đường (iCARE) đã khởi động và thực hiện trong 2 năm 2019-2020 với 3 giai đoạn. Trong chương trình iSTEP-D Plus sẽ có hơn 2.200 bác sĩ nội tiết và bác sĩ đa khoa trên toàn quốc được nâng cao kiến thức tổng quát về điều trị bệnh đái tháo đường và điều trị bằng insulin. Còn với chương trình iCARE, hàng nghìn bệnh nhân đái tháo đường sẽ được hướng dẫn quản lý bệnh tại nhà, bảo đảm tuân thủ thuốc trong quá trình điều trị và nâng cao hiệu quả kiểm soát đường huyết.
Phòng tránh bằng dinh dưỡng hợp lý và vận động
Để dự phòng đái tháo đường type 2 ở người trẻ, GS.TS Thái Hồng Quang cho rằng, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường. Chính vì vậy, cha mẹ hãy bỏ suy nghĩ “vỗ béo” cho con bằng cách cho con ăn thật nhiều, thậm chí cho uống nước ngọt có gas mà không kiểm soát. Ngoài ra, nên cho trẻ vận động bằng các hoạt động thể dục, thể thao hằng ngày, đừng để trẻ ngồi một chỗ quá lâu. Dinh dưỡng hợp lý và vận động là 2 phương pháp cực kỳ quan trọng để phòng tránh đái tháo đường.
Đối với những trường hợp đã mắc bệnh, GS.TS Thái Hồng Quang khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị, thực hiện chế độ ăn uống khoa học cùng với việc duy trì luyện tập thể lực đều đặn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ cần duy trì dinh dưỡng hợp lý và tập luyện có thể giúp 58% bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu, trong khi nếu chỉ dùng thuốc thì tỷ lệ này chỉ ở mức 31%. Còn riêng với đội ngũ y bác sĩ cần phải thường xuyên được cập nhật kiến thức để tối ưu hóa phác đồ điều trị, đồng thời tăng cường tuyên truyền kiến thức phòng bệnh cho người dân.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, điều trị đái tháo đường quan trọng nhất là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết ở mức an toàn. Nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh từ năm 24, 25 tuổi, sau khoảng 4 năm áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân và dùng thuốc kiểm soát đường huyết vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường. Một chế độ dinh dưỡng khoa học cho người bệnh đái tháo đường, đó là phải duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, vitamin từ rau xanh, trái cây tươi, hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần bữa tối; tránh xa đồ uống có cồn và chất kích thích. Thêm vào đó, tăng cường vận động, tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, nên kiểm tra cân nặng thường xuyên để kịp thời điều chỉnh trong mức cho phép. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh giúp ngăn chặn và làm giảm các biến chứng nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.