Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các ý kiến đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ

Linh Nhi| 02/04/2013 06:28

(HNM) - Sau gần 3 tháng, MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai việc lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm tại cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.

Quán triệt Nghị quyết 38 của Quốc hội và Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, gần 3 tháng qua, MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp tổ chức nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực để nhân dân đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cuộc góp ý được tiến hành từ Trung ương đến cơ sở, có nơi tiến hành đến từng khu dân cư và từng hộ dân. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, qua kênh MTTQ Việt Nam, đã có hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân gửi về MTTQ đóng góp vào Dự thảo.

Nhận xét, đánh giá về những ý kiến đóng góp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhận định, đây là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng của các tầng lớp nhân dân. Từ nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trong các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài và chức sắc tôn giáo... đều rất tâm huyết, trách nhiệm. Thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp nói riêng và việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân nói chung, các ý kiến khá toàn diện, từ lời nói đầu đến các nội dung trong các chương, điều, khoản cụ thể. Quá trình thảo luận tuy có ý kiến khác nhau nhưng đa số đều bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo. Thông qua sửa đổi Hiến pháp, các tầng lớp nhân dân mong muốn hiến định thật rõ vấn đề dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và hiến định rõ vai trò của hệ thống chính trị của nước ta trong thời kỳ mới, đặc biệt là cơ chế để Đảng thực thi đầy đủ vai trò lãnh đạo cũng như cơ chế để nhân dân giám sát, tham gia xây dựng Đảng. Các ý kiến cũng không chỉ khẳng định mà còn bổ sung mạnh mẽ, sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó, liên hệ mật thiết với các tầng lớp nhân dân, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức Đảng, đảng viên không chỉ hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật mà còn gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đối với Nhà nước, qua các buổi thảo luận, hầu hết ý kiến bày tỏ tiếp tục khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân cũng đóng góp nhiều ý kiến hiến định rõ cơ chế để nhân dân thực hiện quyền lực của mình trên thực tế. Đối với MTTQ Việt Nam, nhiều ý kiến đóng góp phải thể hiện rõ vai trò của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận đại diện tập hợp, xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, tăng cường đồng thuận xã hội để động viên nhân dân xây dựng bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Đảng phải có cơ chế bảo đảm cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò của mình.


Đặc biệt, các ý kiến hoan nghênh Dự thảo đã nêu khá đầy đủ quyền con người và bổ sung quyền và nghĩa vụ của công dân. Đây là bước tiến mới so với Hiến pháp hiện hành và vấn đề đặt ra là nhân dân xem xét, hoàn thiện, hiến định quyền con người, quyền công dân đầy đủ hơn.

Cùng với các vấn đề nêu trên, vấn đề đất đai cũng được thảo luận sâu rộng. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhân dân mong muốn tiếp tục hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện quyền sở hữu và thống nhất quản lý song phải có quy định cụ thể, rõ ràng và có cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giao quyền sử dụng đất.

Đề cập vấn đề Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam, hầu hết ý kiến đề nghị hiến định vai trò của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam. Đây là đội quân cách mạng, không chỉ tuyệt đối trung thành với Đảng mà còn trung thành với Tổ quốc, trung thành với nhân dân và không chỉ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc mà phải bảo vệ chế độ này.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, thực hiện hướng dẫn của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng về việc kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến ngày 30-9, với trách nhiệm của mình, thời gian tới, MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước của trung ương cũng như chính quyền ở địa phương tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đến từng hộ dân, qua đó tiếp thu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ý kiến đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.