Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các thành phần kinh tế phải bình đẳng

Quốc Bình| 09/04/2013 06:22

(HNM) - Không quy định thành phần kinh tế nào là chủ đạo, khẳng định sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã cho thấy tinh thần hội nhập rất cao của đất nước vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, có không ít các ý kiến cho rằng nên giữ quy định như Hiến pháp năm 1992, khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều 54 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: "1- Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

Điểm mới của quy định này là không xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như Hiến pháp năm 1992. Điều này nhận được sự tán đồng của khá nhiều ý kiến nhân dân, trong đó có các chuyên gia kinh tế, doanh nhân. Các ý kiến này cho rằng, kinh tế nhà nước đã tự đánh mất vai trò chủ đạo của mình sau những kết quả yếu kém của một số tập đoàn, tổng công ty lớn. Ý kiến khác khẳng định, dù được ưu ái, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng thành phần kinh tế nhà nước chưa phát triển tương xứng, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Trong khi đó, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đang vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn đề nghị nên khẳng định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.

Ông Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo ông, kinh tế nhà nước là một khái niệm rộng hơn nhiều DNNN. Trong Văn kiện Đảng gần đây đều khẳng định, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chứ không nói DNNN giữ vai trò chủ đạo. Đồng thuận với ý kiến này, ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, việc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước để xảy ra thua lỗ, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước, của nhân dân suy cho cùng không phải lỗi vốn có của DNNN, càng không phải lỗi của kinh tế nhà nước mà là lỗi trong quản lý. Ông cho rằng, không nên ngộ nhận những sai phạm của một số tập đoàn, tổng công ty vừa qua là lỗi của kinh tế nhà nước dẫn đến không quy định trong Hiến pháp về vai trò chủ đạo sẽ là một sai lầm. Sai lầm này có nguy cơ dẫn đến việc thực hiện không đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Hoàng Đăng Quang, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua đã nêu rõ quan điểm nhất quán của Đảng ta về các chính sách kinh tế không phân biệt đối xử với các hình thức sở hữu. Đảng ta đã đặt kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng trong môi trường thị trường thống nhất, đồng bộ, cạnh tranh đầy đủ và hội nhập quốc tế. Nên việc quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là đánh mất sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Trong khi đó, ủng hộ quan điểm của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS,TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là các quy định chỉ dừng ở mức khái quát, xác định về mặt nguyên tắc. Không nêu cụ thể vai trò của từng thành phần kinh tế như trong Hiến pháp năm 1992 không có nghĩa là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như Dự thảo nhằm bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tạo cơ sở hiến định cho sự vận động, phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Việc xác định cụ thể tên gọi cũng như vai trò của từng thành phần kinh tế có thể thực hiện thông qua các luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Làm như vậy sẽ bảo đảm tính ổn định lâu dài của các quy định của Hiến pháp, nhưng vẫn cho phép phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thì chỉ rõ lý do của việc không xác định vị trí của các thành phần kinh tế là bảo đảm các nguyên tắc hội nhập quốc tế. Ông cho biết: Khi chúng ta hội nhập kinh tế sâu rộng và đặc biệt khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới thì một trong những yêu cầu rất lớn đặt ra là các thành phần kinh tế phải bình đẳng. Việc khẳng định vị trí của từng thành phần kinh tế là một trong những yếu tố có thể đi ngược với nguyên tắc của kinh tế thị trường - là nguyên tắc "sân chơi chung" của kinh tế thế giới.

Cho rằng, phải bảo đảm nền kinh tế đất nước luôn luôn phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, PGS, TS Lê Minh Thông nhấn mạnh, trong quá trình vận động vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thành phần kinh tế nhà nước phải tự vươn lên, làm sao để cùng với kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng cho chế độ xã hội chủ nghĩa như nội dung yêu cầu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các thành phần kinh tế phải bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.